Ông Nguyễn Sĩ Dũng: "Không có kinh tế tư nhân, không có U23 Việt Nam hôm nay"

Thứ ba, 30/01/2018, 16:47
Theo Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, không có các trường học, câu lạc bộ bóng đá của các doanh nghiệp tư nhân, quả thực không có một U23 Việt Nam như ngày hôm nay.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam, các cầu thủ nổi danh của U23 Việt Nam ngày hôm nay là sản phẩm từ các trường học, câu lạc bộ do các doanh nghiệp, các tỷ phú tư nhân người Việt đứng ra tổ chức.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

"Không có các trường học bóng đá của các doanh nghiệp tư nhân, quả thực không có một U23 Việt Nam như ngày hôm nay. Thành công của các doanh nghiệp tư nhân phải có trước. Không khéo thắng lợi của các cầu thủ kinh tế này còn quan trọng hơn. Nếu Việt Nam có thật nhiều tỷ phú, chắc chắn chúng ta sẽ có đội bóng đá ngang tầm thế giới. Còn nếu chỉ có các hợp tác xã nghèo nàn thì chúng ta không thể vượt ra khỏi tầm Đông Dương", Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo "Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững" do Ủy ban kinh tế Quốc hội và Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế tổ chức ngày 28/1, ông Dũng cho rằng, phải làm thế nào để gỡ nút thắt thể chế, cải cách hành chính để không cản trở đội ngũ doanh nghiệp tư nhân thành công. Trong đó, điều quan trọng nhất là các điều kiện kinh doanh cần phải được cắt giảm quyết liệt.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tới đây, các Bộ phải cạnh tranh với nhau để làm chuyện này. "Hiện nay, tôi thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cạnh tranh với Bộ Công Thương, không phải Bộ Công Thương là Bộ cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh nhất. Nếu một phong trào như vậy để các Bộ thi đua với nhau, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn, đó là điều hết sức quan trọng".

Ngoài ra, theo ông Dũng, việc thành lập "siêu" Ủy ban quản lý vốn Nhà nước do ông Nguyễn Hoàng Anh - nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch, mặc dù việc sẽ là một thách thức lớn đối với một công chức khi quản lý một lượng vốn khổng lồ đến 5 tỷ USD, nhưng đây cũng là một trong những cải cách hành chính quan trọng, tạo sự đối xử bình đẳng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp từ các Bộ sẽ không còn chuyện con trong giá thú, con ngoài giá thú.

Công cuộc phòng chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng tốt, giúp chủ nghĩa tư bản thân hữu đang được hạn chế, không có sự bùng phát như thời gian vừa qua, khi "không có quan hệ không thể làm ăn gì được". Công cuộc phòng chống tham nhũng với việc trị tận nơi tận chốn giúp tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Quay lại câu chuyện bóng đá ở trên, để có một thế hệ cầu thủ tài năng, làm rạng danh bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế, không thể không kể đến vai trò của những người tạo nền móng.

Trong danh sách 25 cầu thủ được triệu tập cho vòng chung kết U23 châu Á lần này, 6 cái tên đến từ CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL). Danh sách bao gồm tiền đạo Nguyễn Công Phượng, 4 tiền vệ là Nguyễn Phong Hồng Duy, Châu Ngọc Quang, Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường và hậu vệ A Hoàng.

Bầu Đức và huấn luyện viên Park Hang seo

Đặc biệt, bầu Đức là người đã có công quyết định chiêu mộ huấn luyện viên Park Hang Seo, người đã dẫn dắt đội hình U23 Việt Nam "tan nát" trong SEAGames mấy tháng trước lập kỳ tích vào chung kết U23 châu Á, sau 3 tháng cầm quân.

Bên cạnh 6 cái tên từ Hoàng Anh Gia Lai, còn 6 cái tên khác trong thành phần đội tuyển cũng xuất phát từ cùng một lò – CLB Bóng đá Hà Nội (tiền thân là CLB Hà Nội T&T). CLB này đóng góp cho tuyển quốc gia 3 hậu vệ gồm cầu thủ Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Đỗ Duy Mạnh. Cùng với đó 3 cái tên trên hàng tiền vệ bao gồm Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải và Trương Văn Thái Quý.

Tuy không đứng tên quản lý nhưng giới thạo tin cho biết bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn T&T) đang cấp nguồn tiền hoạt động cho 5/14 đội bóng tại V-League trong đó có cả CLB Hà Nội và CLB SHB Đà Nẵng.

Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn T&T

Đội tuyển còn ghi nhận sự góp mặt của 3 cầu thủ đến từ CLB FLC Thanh Hóa của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) gồm thủ môn Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Lê Văn Đại và tiền đạo Lê Thanh Bình.

Ngoài ra, 3 tuyển thủ của U23 Việt Nam là Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh và Trương Văn Thái Quý cũng xuất thân từ trung tâm PVF của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, sau đó 3 tuyển thủ này đầu quân cho SHB Đà Nẵng của bầu Hiển.

Theo Nhà Đầu tư

Các tin cũ hơn