Trong văn bản vừa gửi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại kỳ họp sớm nhất.
Trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch, Đầu tư ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm nay.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, việc hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là điều kiện tiên quyết để bố trí kế hoạch vốn trung hạn và các năm tiếp theo, giúp dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 như dự kiến.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng bày tỏ lo ngại với người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ, dự án bị chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nguyên nhân là sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ của nước này với các dự án ODA của Việt Nam trong tương lai.
Còn việc chậm thanh toán cho các nhà thầu, có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công. Điều này có nguy cơ dẫn đến kiện tụng, tranh chấp và lãng phí vốn ODA do vẫn phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay.
Đoạn trên cao của tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, đơn vị thi công đang lắp đường ray. |
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), chính quyền TP.HCM kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án (năm 2020 và hoàn thành năm 2026).
Theo UBND TP.HCM, dự án trong quá trình đấu thầu, tuyển chọn nhà đầu tư, song song với quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời hạn hoàn thành. Nếu không điều chỉnh kịp thời việc đấu thầu các gói đang thực hiện có nguy cơ bị hủy, do không đảm bảo điều kiện ký hợp đồng với các nhà thầu xây dựng.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đang triển khai cũng bị ảnh hưởng và không thể bàn giao cho các nhà thầu thi công, ảnh hưởng đến dư luận, nhất là những hộ dân bị giải phóng mặt bằng.
Chậm điều chỉnh vốn và thời gian hoàn thành dự án cũng làm giảm uy tín của các nhà tài trợ, do không thể giải ngân theo các hiệp định đã ký và đang được gia hạn; đồng thời TP.HCM sẽ phải tiếp tục trả phí cam kết thường niên đối với các khoản chưa giải ngân.
'Giấc mơ metro' chưa thể thực hiện vì đội vốn 44.000 tỷ
Tuyến metro số 1 (dài khoảng 20km) được thành phố phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu Yên Nhật). Thời điểm này dự án được xác định thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu Yên Nhật).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được thành phố chỉ ra là: tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư (đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga…); nguyên, nhiên liệu tăng giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009; trượt giá giữa Yên Nhật - Việt Nam Đồng và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.
Việt Nam lúc này cũng chưa có kinh nghiệm thẩm tra lựa chọn Tư vấn thẩm tra nên thành phố đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để làm. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này.
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011, tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì vậy, Thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, dài khoảng 11km) được đơn vị tư vấn trong nước thực hiện vào năm 2010, tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng và đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
Hai năm sau thành phố phải chọn một công ty liên danh của Đức làm Tư vấn quốc tế, phát hiện nhiều nội dung thiếu sót, chưa phù hợp nên phải điều chỉnh thiết kế cơ sở với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong hai năm 2015 và 2016, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có các văn bản đồng ý cho UBND TP.HCM thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án tuyến metro này. Đến tháng 2/2017, UBND thành phố lấy ý kiến các bộ ngành về hồ sơ điều chỉnh dự án.
Hiện có hai quan điểm khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GTVT và Ngân hàng nhà nước cho rằng metro số 2 là dự án chuyển tiếp nhóm A - thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh thuộc UBND thành phố. Tuy nhiên phải báo cáo Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
Còn Bộ Xây dựng và Tài chính cho rằng metro số 2 không phải dự án chuyển tiếp, UBND thành phố cần báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Theo VNE