Bên hành lang Quốc hội ngày 23/5, đại biểu Đinh Văn Nhã trao đổi về câu chuyện đang gây tranh luận khi các trạm thu phí BOT trên toàn quốc vừa được đồng loạt đổi tên thành "trạm thu giá". Khái niệm “thu phí sử dụng đường bộ” được lãnh đạo Bộ GTVT giải thích là chuyển thành “thu giá sử dụng đường BOT”.
Theo ông Đinh Văn Nhã, trong luật Phí và Lệ phí mới có hiệu lực, có khoảng 20 khoản trước đây gọi là phí được chuyển sang gọi là giá dịch vụ, nhưng phí đường bộ chưa nằm trong danh mục đó.
Ông Đinh Văn Nhã phân tích, từ trước đến nay, đường sá vẫn do nhà nước đầu tư là chính. Đó là trách nhiệm của nhà nước, phải cung cấp đường để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư lớn nên những năm gần đây mới xuất hiện những dự án BOT do các doanh nghiệp bỏ tiền vào đầu tư. Khi xã hội hóa thì đòi hỏi phải có cơ chế để cho các nhà đầu tư ít nhất cũng phải hoàn lại vốn, vì hầu hết các doanh nghiệp cũng phải đi vay ngân hàng, lãi suất rất cao.
Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Đinh Vân Nhã: "Nếu chuyển từ phí sang giá thì cần thiết phải có sự điều chỉnh của các cơ quan có thẩm quyền, ít nhất là phải được UB Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục". |
Việc thu phí đường bộ theo hình thức nhà nước thu thì lâu nay, mức phí rất thấp. Thực tế, hiện tại, phần thu chỉ đáp ứng 35% – 40 % nhu cầu duy tu, bảo dưỡng đường. Hàng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm mới đủ nguồn lực để cho các địa phương, bộ ngành thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường bộ.
Vậy nên, theo ông Nhã, chuyện chuyển từ phí sử dụng đường bộ như hiện nay sang giá là một xu hướng phù hợp với quá trình xã hội hóa, nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng.
Dù vậy, hiện cả luật Phí và lệ phí cũng như một số luật chuyên ngành, như luật Đường bộ cũng vẫn gọi khoản thu từ việc khai thác, sử dụng đường là “phí đường bộ”.
“Nếu chuyển từ phí sang giá thì cần thiết phải có sự điều chỉnh của các cơ quan có thẩm quyền, ít nhất là phải được UB Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục. Khi đó các khoản thu được đề xuất mới có căn cứ pháp lý để chuyển từ phí sang giá”, ông Đinh Văn Nhã thông tin.
Ông Nhã dẫn chứng một số loại phí thực chất hiện đã chuyển sang giá và người dân cũng đã dần quen như viện phí chuyển thành “chi phí khám, chữa bệnh” (khái niệm quy định trong luật Khám, chữa bệnh), hay thực chất là giá khám chữa bệnh; hay học phí thực ra chỉnh là chi phí học tập; lĩnh vực hàng không cũng đã gọi là “giá vé máy bay” chứ không phải “phí đi máy bay”… Chỉ riêng đường bộ vẫn còn giữ khái niệm phí.
Ông Đinh Văn Nhã cho rằng, chuyển đổi như vậy là phù hợp với xu hướng và khái niệm này nhằm để người dân hiểu rằng “đây không phải là một khoản phí do doanh nghiệp hoặc nhà nước thu, mà người sử dụng dịch vụ như người đi cao tốc, người khám chữa bệnh, người đi học thì phải trả tiền”.
“Tuy nhiên, đúng là việc chuyển đổi sang giá thì phải có cơ sở pháp lý, được luật pháp cho phép”, ông Đinh Văn Nhã nhấn mạnh và lưu ý “không phải chứ chuyển sang gọi là chi phí sử dụng đường bộ hoặc là giá sử dụng đường bộ thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền quyết định mức thu”.
“Do đường bộ là một loại hạ tầng mà trách nhiệm đầu tư của nhà nước nhưng nhà nước không đủ nguồn lực mới huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nên giá sử dụng đường bộ thì vẫn là một loại giá có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước sẽ quyết định doanh nghiệp thu ở mức bao nhiêu cho hợp lý trong một khung nhất định”.
“Về nguyên tắc, giá sẽ cao hơn phí vì nó phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân nhưng không thể thả nổi được!” - ông Nhã khẳng định.
Theo Dân Trí