Chính phủ báo cáo về tình hình đất đai tại 3 đặc khu kinh tế tương lai

Thứ hai, 04/06/2018, 11:38
Báo cáo của Chính phủ cho biết, kiểm tra tại các địa phương còn cho thấy, từ khi có thông tin chuẩn bị thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến thành lập có diễn biến phức tạp.


Thị trường bất động sản ở 3 khu vực dự kiến được công nhận "đặc khu" diến biến rất phức tạp (Ảnh minh hoạ).

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Chính phủ báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Mua bán, chuyển nhượng tràn lan

Theo báo cáo, huyện Vân Đồn, có tổng diện tích các loại đất là 58.183ha, trong đó đất nông nghiệp là 39.196ha; đất phi nông nghiệp là 4.648ha; đất chưa sử dụng là 14.339 ha. Huyện Vạn Ninh, có tổng diện tích các loại đất là 56.184 ha, trong đó đất nông nghiệp là 35.406 ha, đất phi nông nghiệp là 3.494 ha, đất chưa sử dụng là 17.284 ha. Huyện đảo Phú Quốc, có tổng diện tích các loại đất là 58.927 ha, trong đó đất nông nghiệp là 51.098 ha; đất phi nông nghiệp là 6.717 ha; đất chưa sử dụng là 1.112 ha.

Theo báo cáo của các địa phương, sau khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tình hình thực hiện thủ tục chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước thuộc các địa phương đã tăng đáng kể.

Tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (nơi dự kiến thành lập Đặc khu kinh tế Vân Phong), năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 258,8 ha và 215 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; nhưng trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 1.859 trường hợp chuyển nhượng với diện tích 356 ha và 162 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó chủ yếu là chuyển nhượng, chuyển mục đích từ đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (nơi dự kiến thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn), năm 2016 có 684 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất; năm 2017 có 1625 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đến Quý I/2018 có 519 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giai đoạn 2015-2017 có 288 trường hợp chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, riêng năm 2018 địa phương không giải quyết trường hợp nào.

Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (nơi dự kiến thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc), từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2018 có 05 tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 8,5 ha; 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 699,96 ha.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, ngoài các trường hợp chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất đã làm thủ tục theo đúng quy định, tuy nhiên, kiểm tra tại các địa phương còn cho thấy, từ khi có thông tin chuẩn bị thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến thành lập có diễn biến phức tạp.

Nhất là tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng), chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định, mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, trình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp.

Chưa quyết liệt ngăn chặn

Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản để chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tỉnh Ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh đều đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo nắm bắt tình hình và xử lý quyết liệt, kịp thời tình trạng vi phạm.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để quản lý và ngăn chặn việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất đai trái pháp luật; chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai ở huyện Vân Đồn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Kết quả bước đầu, Quảng Ninh đã thu hồi 10 dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm pháp luật với tổng diện tích trên 350 ha; thu hồi chủ trương đầu tư 13 dự án chưa được giao đất. Trong quý I/2018, tỉnh tiếp tục xử lý 51 trường hợp tự ý san lấp đất lâm nghiệp, nông nghiệp trái phép; dừng làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của 29 trường hợp; trục xuất ra khỏi địa bàn huyện 13 sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện hành nghề.

UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh và huyện Phú Quốc.

Chính phủ đánh giá, nhìn chung, các Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân các địa phương đều đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh việc quản lý đất đai, kiểm soát tình hình sử dụng đất; trong đó điển hình là tỉnh Quảng Ninh, đã phát hiện, xử lý quyết liệt nhiều sai phạm, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai đã cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, tình trạng chuyển nhượng đất “ngầm” vẫn còn diễn ra ở các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà vẫn chưa được phát hiện kịp thời, xử lý, nhất là tại các tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do chưa quyết liệt và kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng giao dịch đất đai không đúng quy định tại địa phương; chưa kịp thời xử lý tình trạng tăng giá đất đột biến, bất thường tại địa phương để kéo dài gây bức xúc trong dư luận.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn