|
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, 3 đặc khu đều là những "bờ xôi ruộng mật" của đất nước chứ không phải đất "khỉ ho cò gáy". |
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), thời hạn 99 năm là thời hạn cho thuê. Ở đây được hiểu một bên là chủ sở hữu có quyền cho thuê và một bên chỉ được thuê lại, việc sử dụng đất trong thời hạn đã định. Điều này cũng khác với nhượng địa, chuyển nhượng nên cách hiểu phải nhất quán.
"Phòng thí nghiệm" về thể chế
Đánh giá ưu đãi so với các nước khác có đặc khu kinh tế, đại biểu Quốc hội đồng thời là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ưu đãi về thuế, đất đai tại các đặc khu thì mỗi nước có quy định khác nhau.
"Trong dự thảo luật lần này đã đặt ra ưu đãi vượt trội, nhiều ý kiến đại biểu còn khác nhau. Nhiều đại biểu, trong đó có tôi cho là không nhất thiết ưu đãi quá nhiều, quan trọng là môi trường đầu tư phải minh bạch, năng lực của chính quyền phải thực sự trong sáng, thủ tục hành chính nhanh gọn", ông Vân nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng, có ý kiến đề xuất ưu đãi tại đặc khu phải vượt trội thì mới thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên, mô hình đặc khu đã trải qua nhiều giai đoạn, có nước thành công, có nước thất bại.
"Ta đi sau, phải coi đây là "phòng thí nghiệm" về thể chế. Thể chế không chỉ là ưu đãi mà còn là mô hình tổ chức, vận hành. Quan trọng là sự minh bạch. Và đối tượng thu hút tới đặc khu phải là công nghệ cao", đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Ông cũng cho biết, thời hạn ưu đãi cho thuê đất 99 năm không chỉ trong Quốc hội mà còn được nhân dân rất quan tâm. Thời hạn đó mới là đề xuất của Chính phủ, còn quyền quyết định của Quốc hội. Vì vậy, phải xem xét vấn đề cẩn trọng.
"Có lẽ Quốc hội phải thực hiện quy trình lấy ý kiến riêng từng đại biểu xem có đồng thuận không, có thể biểu quyết riêng về điều này. Và quyền quyết định tối cao vấn đề này vẫn là đại biểu Quốc hội. Tôi tin đại biểu Quốc hội với trọng trách của mình sẽ có quyết định sáng suốt nhất", ông Vân nhấn mạnh.
"Bờ xôi ruộng mật"
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, dự thảo lần này đã đưa ra nhiều ưu đãi quá lớn.
"Việt Nam phải chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ đến đây là có lợi, nhưng không cần đến quy định cho thuê đất đến 99 năm. 3 đặc khu đều là những "bờ xôi ruộng mật" của đất nước chứ không phải đất "khỉ ho cò gáy", ông nhấn mạnh.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, cần phải thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao và đó không phải là lĩnh vực cần đầu tư đến cả trăm năm. Đồng thời, cũng cần nhìn vào địa chính trị và những bài học lịch sử.
"Nếu nhớ lại lịch sử, Vân Đồn là thương cảng cổ, cửa ngõ để các cuộc xâm lược bên ngoài vào Việt Nam. Tất nhiên thời thế thay đổi rồi nhưng tâm thế vẫn phải giữ", đại biểu lưu ý.
Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng ta rất mong muốn thu hút đầu tư, kể cả Trung Quốc - một nước lớn với nguồn lực lớn, nhưng ta đừng quá hạ mình đưa ra điều kiện quá ưu đãi như vậy. Các đại biểu Quốc hội nên bỏ phiếu đầu tiên cho việc có cho thuê đất 99 năm hay không".
Thừa nhận đến nay mới làm thì có khi muộn nhưng đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng không nên làm ồ ạt.
"Không hiểu vì sao lại làm ồ ạt. Mà chúng ta ồ ạt trong tâm thế bị động, chưa ra luật mà đất đai đã chia xong hết rồi. Tất cả những câu chuyện mà ai cũng biết là đầu cơ đất đai. Sau này, không biết chúng ta làm thế nào để thực hiện được các ý tưởng lớn trên một mảnh đất đã bị chia lợi ích như thế. Không biết nó có tạo ra lợi thế cho nhà đầu tư không mà chúng ta phải lấy con số 99 năm ra để dụ nhà đầu tư như thế", ông nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường hôm 23/5, đại biểu Dương Trung Quốc cũng đặt câu hỏi tới các vị đại biểu: "Chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta sống đương đại có thể đại diện cho những thế hệ sống 100 năm nữa không?"
Tại phiên thảo luận này, một đại biểu khác là ông Dương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng phản ứng mạnh mẽ: "Lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển. Đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm. Thời hạn này ngang 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhường địa chỉ đất nước nghèo đói hoang sơ cần tới để thu hút nhà đầu tư".
"Có những quốc gia họ đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có quốc gia lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng và đã có ví dụ nhãn tiền về điều này. Luật pháp chỉ rước bạn tốt vào nhà chứ không phải rước kẻ cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài", ông nhấn mạnh.
Theo Dân Trí