- Thưa TS, liên quan đến vấn đề tái cấu trúc ngành ngân hàng, ông có nói rằng Chính phủ VN cần có một khoản tiền để cho các ngân hàng vay như Chính phủ Mỹ đã từng cho các ngân hàng bên bờ vực phá sản vay để trụ lại. Và chỉ có như vậy mới có thể cơ cấu lại nợ xấu và tính chuyện tái cấu trúc. Trước hết, xin được hỏi TS là theo ông, khoản tiền đó có thể lấy từ đâu ra, ước lượng cần phải bao nhiêu cho đủ với các khoản nợ xấu cần cơ cấu trên toàn hệ thống hiện nay; và làm thế nào để việc cung tiền cho các NH theo hướng cho vay không tác động lên mục tiêu kiềm chế lạm phát?
Tôi nghĩ rằng câu hỏi đó nên dành cho Thống đốc NHNN, ông ấy sẽ giỏi hơn tôi trong việc phải biết xử lý những việc này như thế nào. Rõ ràng trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bao giờ cũng phải tính đến chuyện xử lý các món nợ xấu, bao giờ cũng phải có vốn mồi. Có vốn mồi để mồi làm sao việc kinh doanh trở lại tốt đẹp, sau đó các ngân hàng mới có tiền để trả lại.
Nhưng về câu hỏi này thực sự tôi không phải là quan chức nhà nước nên không thể trả lời là nguồn vốn đó lấy ở đâu ra và sẽ được xử lý như thế nào.
- Vậy ở góc nhìn của một chuyên gia, theo ông, tái cơ cấu ngành NH theo định hướng khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, và thực hiện đúng định hướng đó thì liệu có đảm bảo trong tương lai gần sẽ không có hiện tượng tái khứ hồi các vấn đề gần như kinh niên của hệ thống là thanh khoản, nợ xấu ?
Việc tái cấu trúc cần hiểu theo hướng một ngân hàng lớn có công nghệ, trình độ nhân lực, quy chế hoạt động chặt chẽ và tốt hơn thì sẽ tiếp nhận một ngân hàng nhỏ, và như vậy ngân hàng nhỏ đó cũng sẽ phải thay đổi rất lớn. Còn việc có đạt được một tiêu chuẩn cao hơn, đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy Ngân hàng Nhà nước công bố. Tôi nghĩ rằng phải kết hợp tái cấu trúc với việc xây dựng một hệ thống ngân hàng an toàn.
Chúng ta thấy hệ thống ngân hàng ở tất cả các nước trên thế giới nếu có gây ra sai phạm lớn thì mức độ tác động sẽ rất lớn, lớn hơn rất nhiều sai phạm của một ông nông dân. Vì vậy, cần phải hết sức chú ý, giám sát, xem xét hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Điều này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và của Ngân hàng Nhà nước.
- Thương vụ hợp nhất đầu tiên giữa ba ngân hàng đã được hoàn tất. Ông có kỳ vọng hiệu quả từ cách thức hợp nhất này ? Mua bán và hợp nhất, sáp nhập (M&A) có thể chỉ là một trong những giải pháp để tái cấu trúc, vậy có giải pháp nào cho tính khả thi hơn không, thưa ông ?
M&A là một giải pháp. Theo tôi, phá sản cũng là một giải pháp. Những ngân hàng nào kém quá thì phải để họ rút lui chứ làm sao có thể “nuôi” mãi được? Vả lại, ngay bây giờ tôi vẫn không tin rằng sáp nhập giữa ba ông yếu kém sẽ trở thành một ông khỏe mạnh và giỏi giang. Tôi nghĩ rằng phải sáp nhập giữa một ông to, khỏe mạnh với một ông yếu kém thì lúc bấy giờ ông lớn khỏe mạnh mới có thể giúp ông yếu kém cải thiện sức khỏe.
Về mặt vĩ mô của nền kinh tế, DN phá sản là một tín hiệu đáng lo ngại. Không ai xung phong phá sản, cũng không ai tự nguyện phá sản cả. Phá sản đối với DN là một tình huống cay đắng nhưng phá sản cũng không phải là ngày tận số mà là cơ hội để các DN sẽ trở lại thương trường một cách tốt hơn. Muốn như vậy chúng ta cần có những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
- M&A cũng là một cánh cửa để các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường ngân hàng. Nếu thực hiện M&A ngân hàng với các nhà đầu tư ngoại, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta sẽ được gì, mất gì, xin TS cho biết .
Mua bán và hợp nhất, sáp nhập có thể chỉ là một trong những giải pháp để tái cấu trúc
“Được” là họ sẽ cho thêm vốn vào đây, họ có công nghệ, họ sẽ giúp chúng ta có bước hiện đại hóa tốt hơn. Nếu nói đến “mất”, thì một số người sẽ phải chấp nhận giảm thị phần, giảm tỉ lệ sở hữu trong ngân hàng và phải chia sẻ với họ. Tôi nghĩ cái mất ở đây rất tương đối. Biết học của người ta thì DN, bản thân mình cũng sẽ tiến rất nhanh.
- Ông đánh giá ra sao về cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân, nội địa vào lĩnh vực ngân hàng? Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư; cũng như quan điểm của ông dành cho công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng, mà theo ông là đáng được lưu tâm?
Các nhà đầu tư tư nhân trước chương trình tái cấu trúc này chắc chắn có thêm cơ hội để mua cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ngoài ra, năm 2012 cũng sẽ là cơ hội rất lớn của các nhà đầu tư tư nhân trong nước bởi với số DN, các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn, trị giá tới 20.000 tỉ đồng cho đến năm 2015 khỏi các hạng mục đầu tư bất động sản và dịch vụ như nhà hàng, khách sạn... Tôi cũng xin báo động có một số khách sạn thua lỗ rất cao. Tôi vừa đến Thanh Hóa và chứng kiến một khách sạn có quy mô 200 phòng do Tập đoàn Dầu khí chủ sở hữu đang vắng khách, chịu lỗ. Có lẽ rồi cũng sẽ phải có một giải pháp nào đó cho các tập đoàn, DN nhà nước thoái vốn.
Riêng với ngành ngân hàng, năm 2012 là một năm vô cùng quan trọng. Song song với việc tái cấu trúc, sẽ phải giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống, lại phải bảo đảm thắt chặt tiền tệ, như vậy không hề dễ dàng. Tôi nghĩ rằng các ngân hàng sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng đấy cũng là một cơ hội để ngành ngân hàng lớn lên dưới sự chỉ đạo của NHNN.
Ngoài ra, cũng cần phải xác định hệ thống tài chính – ngân hàng VN là một hệ thống dành cho DNNVV, khi có đến 90% DN thuộc các DNNVV. Nhưng trên thực tế thì hệ thống ngân hàng này vẫn đang chỉ tập trung tín dụng cho các DN lớn, có tài sản lớn, có thế chấp lớn. Một ví dụ điển hình mà các ngân hàng cần phải suy nghĩ, đó là phương thức cấp tín dụng của Hội Phụ nữ VN. Hội Phụ nữ VN có một đề án về cho vay siêu nhỏ, khoảng 5-10 triệu đồng/ suất vay nhưng tỉ lệ thu hồi vốn rất cao, gần như 100%. Các ngân hàng thực sự cần học tập điều này, tìm cách đưa tín dụng nhỏ về cho DN nhỏ, cho những người vay vốn để thực hiện các dự án siêu vi mô, cho những người nông dân. Như vậy tín dụng mới phát huy hiệu quả và cải thiện được vấn đề nợ xấu.
Xin cám ơn TS !
Theo DĐDN