Trong tuyên bố mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định Trung Quốc cần đẩy mạnh nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn.
Theo đó, người nước ngoài cần phải được cho phép tiếp cận nhiều hơn với thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc trong kế hoạch kéo dài 3 năm để tự do hóa dòng vốn đầu tư ra và vào đất nước. Kế hoạch đó sẽ giúp cho các công ty Trung Quốc tận dụng cơ hội chiến lược để mua tài sản nước ngoài giá rẻ cũng như đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế.
Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, một đề xuất về chính sách, sẽ có thể đối đầu với sự phản đối của một số nhà hoạch định chính sách bảo thủ luôn lo ngại về khả năng sự bình ổn của hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ đối đầu với nhiều rủi ro. Điều này diễn ra ở thời điểm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi trong năm 2012.
Thế nhưng các chuyên gia phân tích khẳng định bản kế hoạch mới nhất do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố là kế hoạch chi tiết nhất từng được một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc đưa ra để giải quyết vấn đề mở cửa thị trường vốn và nó có thể phát đi tín hiệu về chương trình cải tổ sắp đến.
Ông Liu Ligang, chuyên gia kinh tế tại ANZ, khẳng định: “Rõ ràng có thể coi đây như khung thời gian rất rõ ràng cho việc đẩy mạnh tự do hóa thị trường vốn. Trước đây, động lực tự do hóa thị trường không mạnh mẽ đến như vậy.”
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho đến nay đều khuyên chính phủ Trung Quốc nới lỏng kiểm soát vốn để giúp kinh tế tăng trưởng đúng hướng và ngăn bong bóng trên thị trường bất động sản phình to. Ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, cho đến nay đã đặt ưu tiên cho việc phát triển thị trường vốn.
Thế nhưng thay đổi chính sách theo hướng trên đến nay diễn biến chậm. Nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc thể hiện sự lo lắng về khả năng hệ thống tài chính Trung Quốc quá dễ chịu tác động và sẽ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc mở cửa quá vội vã.
Theo TTVN