Không phải đến bây giờ Việt Nam mới nhìn nhận vấn đề đã rình rập nền kinh tế từ lâu nhưng liệu nợ công đã được đánh giá đúng cách và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp.
Nợ công hiện đang là vấn đề nhức nhối và tiềm ẩn nguy cơ trở thành cuộc đại khủng hoảng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nếu không dập tắt kịp thời sẽ tạo thành hiệu ứng dây chuyền với tốc độ lây lan chóng mặt, thì các nước sẽ không tránh khỏi việc lâm vào cảnh bần cùng với những món nợ khổng lồ. Mỹ - đất nước giàu có bậc nhất - với nền kinh tế tài chính hùng mạnh số 1 thế giới, giống như một loại văcxin có thể phòng tránh nguy cơ nợ nần nhưng hiện tại cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy nợ công (chiếm gần 100% GDP).
Một đất nước phát triển mãnh mẽ không kém là Nhật Bản nhưng nợ công đã đạt mức kỷ lục 200% GDP. Và nạn nhân hiện nay chính là Liên minh châu Âu đang quay cuồng tìm mọi cách giảm thiểu món nợ đè nặng lên đất nước mình nhưng vẫn chưa tìm thấy lối ra sáng sủa nhất.
Theo các số liệu báo cáo về nợ công của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng hơn 50% GDP cả nước và được xem như vẫn ở ngưỡng an toàn (chưa vượt mức 60%) nhưng con số 50% GDP được đánh giá khách quan hay vẫn chỉ là mặt nổi của nền kinh tế. Về bản chất, con số đó chỉ phản ảnh một phần mức an toàn hay rủi ro của khoản nợ công nhưng không thể trả lời câu hỏi: Nợ công an toàn hay nợ công rủi ro?
Có rất nhiều thống kê khác nhau về số nợ công của Việt Nam nhưng các con số đều không có mức độ tin cậy chắc chắn. Các số liệu của Chính phủ thường không nêu cơ cấu chi tiết các khoản nợ, đó chỉ là các con số chung chung, không có sự minh bạch rõ ràng khiến cho sự nhìn nhận về nợ công càng thêm mờ mịt.
Bỏ qua những con số, vấn đề quan trọng là biện pháp xử lý các khoản nợ công. Tình hình sức khỏe của các nước khác nhau nên các biện pháp giải quyết vấn đề nợ công cũng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế. Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ khi tỷ lệ nợ công/GDP vượt qua mốc 100% trong khi Nhật Bản với tỷ lệ 200% vẫn trong mức an toàn. Có nhiều lý do nhưng điểm lại thì nguyên nhân chính là phần lớn nợ công của Chính phủ Nhật ở dưới dạng trái phiếu, đa số do các nhà đầu tư nội địa nắm giữ (95%) và định giá bằng đồng Yên. Nhật Bản không nợ ngoại tệ, lợi tức trái phiếu ổn định, không phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Bên cạnh đó hiệu quả trong việc sử dụng vốn của Nhật Bản là điều không cần bàn cãi, dự trữ ngoại tệ quốc gia khá lớn... Chính những điều này đã giúp Nhật Bản tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ cao như các nước khác.
Khi vay một khoản nợ, thì khoản vay phải được đầu tư hiệu quả. Sử dụng nợ vào các dự án sinh lời thì phải có phương án trả nợ hợp lý. Tình hình kinh tế của Việt Nam đáng lo ngại hơn từ sau sự cố Vinashin. Theo tạp chí The Economist, trung bình mỗi người dân phải gánh số nợ là 600 USD, đây là một con số khá cao so với thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1.200 USD.
Việt nam đang đối mặt với quá nhiều vấn đề nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để trong thời gian qua. Việt Nam không có nền tảng kinh tế vững chắc, tăng trưởng nóng nhưng không ổn định, vay nợ nước ngoài cao, dự trữ ngoại tệ lại thấp. Kinh tế vẫn chưa kịp hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát kéo dài, đồng tiền mất giá, lãi suất dao động mạnh, sự bất ổn trong đầu tư của các doanh nghiệp lớn nhỏ kể cả doanh nghiệp nhà nước.
Các biện pháp ổn định kinh tế, kích thích tăng trưởng, kìm chế lạm phát hầu như không hiệu quả. Những công trình xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức và năng suất quá thấp. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu công, dịch vụ tiện ích cho xã hội lại thực hiện một các tùy tiện, đổ vốn quá nhiều vào các dự án lớn mang tính mạo hiểm cao nhưng sau khi hoàn thành vẫn chưa thể hoạt động. Những dự án cần thiết như bệnh viện trường học thì đầu tư nhỏ giọt.
Ngoài ra, còn tình trạng cán cân thương mại thâm hụt lâu năm, những khoảng nợ ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn phải trả... Tất cả đều âm ỉ, cố hữu trong suốt thời gian dài và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ngay từ bây giờ, Chính phủ, Bộ tài chính và các Ban ngành khác cần gấp rút đề ra và tiến hành các biện pháp giảm tải nợ công có hiệu quả nhất, cân đo đong đếm các mục tiêu kinh tế, tiến hành cải cách đổi mới và kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công.
Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn!
Nga Nguyễn (TH)