Thời kỳ hoàng kim của các nhà máy sản xuất điện thoại ở Hàn Quốc đã khép lại khi cả Samsung và LG đều ngừng hoặc giảm sản xuất trong nước, Korea Times nhận định. Hai công ty chuyển hướng sang Việt Nam hoặc các quốc gia khác, nơi có chi phí nhân công rẻ hơn. Trước áp lực cạnh tranh của smartphone Trung Quốc, giới phân tích dự báo điện thoại sản xuất tại Hàn Quốc có thể biến mất hoàn toàn.
Samsung và LG đều chuyển hướng sản xuất điện thoại sang Việt Nam. |
Theo các nhà nghiên cứu, điện thoại thông minh sản xuất tại Hàn Quốc chiếm 11,4% tổng lượng xuất xưởng toàn cầu 2008 nhưng đã giảm mạnh còn 1,3% vào 2018. Dự kiến, số này tiếp tục giảm sau khi LG quyết định ngừng hoạt động nhà máy ở Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) với công suất 5 triệu thiết bị để chuyển sang Hải Phòng, nơi có nhà máy đã vận hành từ 2014.
Theo LG, sau chuyển dịch, dây chuyền tại Hải Phòng có tổng công suất 11 triệu máy, sẽ sản xuất điện thoại từ tầm trung đến cao cấp. "Quyết định chuyển dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam nhằm thúc đẩy lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong bối cảnh thị trường toàn cầu bị đình trệ", một quan chức của LG nói.
Samsung cũng giảm quy mô sản xuất ở quê nhà, từ mức 60 triệu chiếc cách đây một thập kỷ xuống còn 20 triệu chiếc hiện nay. "Gã khổng lồ" này đang vận hành các nhà máy khác ở Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Indonesia với tổng công suất 300 triệu thiết bị mỗi năm. Gần một nửa trong tổng số điện thoại Samsung bán trên toàn cầu được "ra lò" từ nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Không chỉ hai đại gia Hàn Quốc, các công ty điện tử Trung Quốc như Pegatron, Inventec, Quanta hay Compal cũng tính chuyển nhà máy sang Việt Nam. Ngoài để tránh các tác động do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam còn hấp dẫn do giá nhân công rẻ. Năm 2019, mức lương tối thiểu vùng trả cho người lao động từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng mỗi tháng, tùy khu vực.
Theo VNE