Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương chia sẻ với VnExpress sau những phản ánh của người dân về hoá đơn tiền điện tăng đột biến.
Hôm qua, Thủ tướng vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra về việc tăng giá điện sau những phản ánh của người dân khi hóa đơn tăng đột biến. Là cơ quan quản lý năng lượng, Bộ Công Thương đã có động thái gì?
Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng để kiểm tra lại.
Còn trong nội bộ, chúng tôi đã chỉ đạo EVN giải đáp đầy đủ, thấu đáo các thắc mắc của khách hàng. Nếu có sai sót ở quá trình ghi chỉ số, lập hoá đơn sẽ truy thu hoặc hoàn tiền cho khách hàng, đồng thời xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể theo quy định.
Bộ cũng đã lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, đại diện một số hiệp hội ngành hàng... Đoàn cũng sẽ kiểm tra tình hình sử dụng điện của một số khách hàng lớn tại từng khu vực, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới chi phí mua điện và giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương. |
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,3% từ ngày 20/3 nhưng khi nhận hoá đơn tháng 4 thì nhiều người tiêu dùng bất ngờ khi tiền điện tăng cao gấp 2,3 lần, thậm chí 4-5 lần so với tháng trước. Ông lý giải thế nào về việc này?
Tôi chia sẻ với cảm xúc của người tiêu dùng khi thấy tiền điện tháng 4 cao hơn tháng 3. Sau phản ánh của báo chí, Bộ Công Thương đã kiểm tra và thấy rằng có ba lý do tiền điện tăng. Một là nhu cầu sử dụng tháng 4 cao hơn nhiều so với các tháng trước do thời tiết nắng nóng. Sản lượng tiêu thụ thực tế tại Hà Nội bình quân tháng 4 tăng hơn 16% và hơn 32% khách hàng có mức tiêu thụ điện trên 1,5 lần so với tháng trước. Con số này ở TP.HCM lần lượt là 15% và 22%.
Hai là số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3, làm điện năng sử dụng tăng thêm 10,71%. Yếu tố khác cũng khiến tiền điện tăng là việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3.
Tuy nhiên, nếu lượng điện dùng trong tháng 4 bằng tháng trước, tiền điện phải trả cũng chỉ tăng hơn 8,36-8,38% thôi.
Thực tế là giá điện từ trước tới nay chỉ có tăng mà chưa bao giờ giảm. Vì sao như vậy?
Tôi thừa nhận thực tế này, do giá thành sản xuất điện tăng mà chưa thể giảm. Trước đây, chúng ta tiêu thụ điện ít, thì nguồn điện cung cấp chủ yếu từ các nhà máy thuỷ điện có giá thành rẻ. Trong khi đó, hiện nay tiềm năng thuỷ điện đã khai thác hết và để đáp ứng nhu cầu dùng điện ngày càng lớn buộc ngành điện phải xây dựng các nhà máy điện than, khí, năng lượng tái tạo và thậm chí chạy dầu với chi phí cao. Vì vậy, giá điện bán cho người tiêu dùng tăng lên.
Ngoài việc giá điện tăng thì cách tính giá theo 6 bậc thang hiện nay được cho là bất hợp lý. Bộ có kế hoạch điều chỉnh gì cho phù hợp với bối cảnh tiêu dùng điện sinh hoạt ngày càng tăng?
Phương án giá điện bậc thang hiện nay được chọn sau khi lấy ý kiến rộng rãi và tính tới đa mục tiêu như bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Điện năng là hàng hóa đặc biệt, sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy phát điện, về nguyên tắc, ngành điện sẽ để nhà máy có giá rẻ phát điện trước, đắt phát sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Vì đặc điểm này nên nhiều nước trên thế giới (Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia...) đều áp dụng giá điện bậc thang với giá tăng dần theo từng bậc.
Năm 2018, Việt Nam có 9 triệu hộ sử dụng điện mức 100 kWh một tháng trở xuống, chiếm trên 35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt. Do vậy giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (51-100 kWh) được tính toán tương ứng bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, để hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại có giá cao hơn.
Tuy nhiên, đúng là khi nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao và công tơ điện tử được dùng thay thế công tơ cơ ngày càng nhiều thì việc đưa ra biểu giá điện bậc thang mới là cần thiết. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng việc giá điện tăng và phản ứng của người dân vừa qua là hệ lụy của việc EVN vẫn còn độc quyền trong sản xuất, phân phối điện và Việt Nam chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh?
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng thị trường điện mà EVN sẽ chỉ là một trong số nhiều thành viên. Trong lĩnh vực phát điện còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, ngoài EVN như PVN, TKV, các nhà máy BOT của nhà đầu tư nước ngoài... Phân phối điện cũng có những doanh nghiệp ngoài EVN đang cấp điện cho các khu công nghiệp, khu chung cư, hợp tác xã kinh doanh, dịch vụ điện...
Theo lộ trình Thủ tướng phê duyệt, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam phát triển qua 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành từ 1/7/2012, bán buôn cạnh tranh từ 1/1/2019 và từ năm 2023 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Ngoài ra, cơ chế triển khai thí điểm cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo được trực tiếp bán điện cho khách hàng dùng điện cũng sẽ được ban hành, tạo nền triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh các năm tiếp theo.
Cùng với hình thành các thị trường điện, việc cơ cấu ngành điện sẽ được tiến hành song song và đã được chúng tôi báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được Bộ trình Thủ tướng trong năm nay. Khi thị trường bán lẻ cạnh tranh đi vào hoạt động, khách hàng có thể tự chọn nhà cung cấp điện với giá cạnh tranh trên thị trường.
Theo VNE