Tiền điện tháng 4 "tăng vọt": Cách tính có vấn đề?

Thứ năm, 02/05/2019, 09:26
Dù EVN đã lên tiếng về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao nhưng nhiều người dân vẫn bức xúc, thậm chí có ý kiến chỉ ra cách tính tiền điện đang có vấn đề.

Hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng trước khiến nhiều khách hàng bức xúc. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tiền điện tăng cao bao gồm: nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng, việc điều chỉnh giá điện tăng, thời gian sử dụng điện trong tháng dài hơn.

Việc tính giá điện sau điều chỉnh đang gây ra nhiều tranh cãi. (Ảnh: EVN)

EVN cho biết qua theo dõi, thấy điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tại Hà Nội tăng 16,17%, tại TP.HCM tăng 15,53% so với tháng 3.

Thứ nữa, số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 4 là 31 ngày, nhiều hơn so 28 ngày của tháng 3, khiến điện năng sử dụng tăng thêm 10,71%.

Đặc biệt, hóa đơn tăng do tác động của việc điều chỉnh giá bán điện.

VnExpress dẫn lời đại diện EVN Hà Nội cho biết, giá điện điều chỉnh từ 20/3 nên hóa đơn điện của hộ gia đình tháng 4 sẽ được tính theo phương pháp nội suy, gồm giá cũ và mới trên số ngày dùng điện thực tế.

Ví dụ khách hàng tiêu thụ 292 kWh trong 31 ngày (kỳ ghi hóa đơn 13/3 đến 12/4), thì số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 7 ngày, số ngày dùng giá điện mới là 24 ngày.

Như vậy sản lượng điện tính theo giá cũ: (292 kWh/31 ngày) * 7 ngày = 66 kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 226 kWh.

Hóa đơn điện phần giá mới và cũ ngoài tính theo số ngày dùng thực tế, sẽ được tính theo đơn giá điện bậc thang điện tương ứng với tổng sản lượng tiêu thụ của tháng. Chẳng hạn, với sản lượng dùng điện trong tháng là 292 kWh, tương ứng ở giá điện bậc thang thứ 4, nên sản lượng điện theo giá cũ và mới đều được tính lũy tiến tới giá điện bậc 4.

Phần sản lượng theo giá cũ (trước thời điểm 20/3):

- Bậc 1: (50 kWh /31) * 7 ngày = 11 kWh

- Bậc 2: (50 kWh /31) * 7 ngày = 11 kWh

- Bậc 3: (100 kWh /31) * 7 ngày = 23 kWh

- Bậc 4: 66-11-11-23 = 21 kWh

Tương tự, sản lượng điện của hộ tiêu dùng tính theo đơn giá mới từ 20/3: Bậc 1 là 39 kWh; bậc 2 là 39 kWh; bậc 3 là 77 kWh và 71 kWh ở bậc 4.

Tổng cộng số tiền điện tháng 4 là 594.715 đồng (chưa gồm thuế VAT 10%). Và tiền điện sau thuế là 654.187 đồng.

Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên đại học Fulbright, cho rằng cách tính này “không hợp lý” và “làm phát sinh một khoản "rò rỉ" tiền điện mà không phải do khách hàng”.

Theo ông Tuấn, công ty điện lực phân bổ số kWh điện trong mỗi bậc giá điện để áp dụng cho 2 biểu giá khác nhau. Với 50kWh ở bậc 1, công ty điện lực đã phân bổ 11kWh cho 7 ngày đầu (tính theo biểu giá điện cũ) và 39kWh cho 24 ngày sau (tính theo biểu giá điện mới).

Cách phân bổ cũng tương tự ở các bậc tiếp theo. Như vậy, mặc dù tổng số kWh điện phân bổ cho 7 ngày đầu vẫn là 66kWh và 24 ngày sau là 226kWh, song cách tính này rất bất hợp lý bởi thời gian có tính tuần tự và sự gia tăng số kWh điện năng tiêu thụ cũng phải theo kiểu lũy kế, chứ không thể "nhảy cóc" giữa 2 biểu giá theo 2 thời kỳ như vậy được.

Khách hàng không thể chỉ dùng 11kWh trong 7 ngày đầu rồi "để dành" 39kWh điện cho từ 7 ngày sau đó để áp dụng biểu giá mới.

Nhìn theo một chiều hướng khác, trong mỗi biểu giá điện cũ và mới, ứng với 66kWh và 226kWh cho 2 giai đoạn, việc phân bổ chỉ 11kWh điện ở bậc 1, 11kWh ở bậc 2, 23kWh bậc 3 và 21kWh bậc 4 trong biểu giá điện cũ cũng cho thấy tính bất hợp lý của nó.

Trong khi hạn mức ở bậc 1 lên đến 50kWh thì tại sao khách hàng chỉ được tính cho 11kWh, còn lại chuyển sang các bậc giá cao hơn?

Tương tự, tại sao khách hàng chỉ được phân bổ 11kWh cho bậc 2 (hạn mức 50kWh), 23kWh cho bậc 3 (hạn mức 100kWh) và 21kWh còn lại cho bậc 4 (hạn mức 100kWh) trong số 66kWh, trong khi hạn mức điện tiêu thụ được tính cho từng bậc khách hàng sử dụng vẫn chưa hết?

Rõ ràng cách tính này đã vô tình hay cố tình đẩy mức điện năng tiêu thụ của khách hàng lên tính ở bậc giá cao hơn.

Tổng số tiền mà khách hàng phải trả theo cách tính này lên đến 594.715 đồng (chưa tính 10% VAT).

Theo cách tính hợp lý hơn, trong 66kWh phân bổ cho 7 ngày đầu, 50kWh trong đó nên được tính theo giá bậc 1, 16kWh tiếp theo sẽ được phân bổ cho mức giá bậc 2.

Cách tính này phù hợp với thời hiệu 7 ngày của biểu giá cũ đến ngày 20-3. Như vậy, tổng số tiền thanh toán cho cả 292kWh điện chỉ là 541.046 đồng (chưa tính VAT).

Có nghĩa cùng một mức điện năng tiêu thụ và cũng là mức sản điện mà EVN cung ứng, khách phải trả nhiều hơn 53.702 đồng chỉ vì cách tính.

Những người sử dụng điện càng nhiều, hai cách tính tạo ra sự chênh lệch càng lớn.

Con số này xấp xỉ khoảng 10% số tiền điện phải trả, tức tương đương hoặc cao hơn tỉ lệ tăng giá điện bình quân 8,3% của biểu giá điện mới.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích