|
Tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn tăng trưởng dương |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý đầu tiên của năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 472 triệu USD, vẫn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng này nhờ các thị trường EU, ASEAN, Mexico…
Thị trường Mỹ chờ thuế, Trung Quốc lần đầu giảm nhập
Mỹ là thị trường lớn nhất của sản phẩm cá tra trong năm 2018. Tuy nhiên qua quý 2 đã giảm trở lại. Nguyên nhân được cho là do các nhà nhập khẩu chờ đợi việc Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho sản phẩm cá tra basa Việt Nam giai đoạn từ ngày 1.8.2016 -31.7.2017. Dự kiến kết quả đợt rà soát này sẽ được công bố trong tháng 4.
Kết quả này dự báo sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến xuất khẩu của cá tra trong thời gian tới. Năm 2017, Mỹ mất vị thế khách hàng lớn nhất của cá tra Việt Nam vào tay Trung Quốc. Tuy nhiên, trong đợt rà soát thuế lần thứ 13, Mỹ quyết định giảm thuế và nhập khẩu của Mỹ trong năm 2018 tăng trở lại, vượt qua Trung Quốc.
Sự chờ đợi của các nhà nhập khẩu Mỹ thể hiện rõ trong tháng 2 và 3 khi kim ngạch đột ngột giảm lần lượt 23% và 44% so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu của Mỹ chỉ còn chiếm 15% tổng sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý 1/2019 và thị trường Mỹ tạm rơi xuống vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và EU.
Năm 2018, Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra từ mức 3,87 USD/kg xuống chỉ còn 2,39 USD/kg. Các nhà xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang kỳ vọng, giống như sản phẩm tôm giảm xuống 0%, thuế chống bán phá giá cá tra cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Kỳ vọng này được cho là có cơ sở khi sức tiêu thụ cá thịt trắng tại Mỹ đang tăng, trong khi đó nguồn cung có thể cạnh tranh với cá tra Việt Nam là cá rô phi của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng vì căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới chưa dừng lại.
Giá cá tra nguyên liệu có xu hướng tăng trở lại |
Dù đang là thị trường dẫn đầu nhưng Trung Quốc - Hồng Kông chỉ đạt 99,3 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm liên tiếp, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm. Nguyên nhân được cho là do Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nuôi và chế biến cá tra để phục vụ nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó nước này cũng tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm của Việt Nam cũng như hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch.
EU tăng trưởng ấn tượng
Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường EU nhập khẩu sản phẩm cá tra đến 72 triệu USD, tăng trên 42% so với cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng trải rộng ở khắp các thị trường trường đơn lẻ như: Hà Lan tăng 29%, Anh tăng 53%, Đức tăng 67%, Bỉ tăng 87%... “Có thể nói, đây là mức tăng tích cực trong nhiều năm trở lại đây và là tín hiệu tốt cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này”, báo cáo của VASEP đánh giá.
Một thị trường gần gủi với Việt Nam là các nước khu vực ASEAN tăng trưởng tổng cộng 18%, tương đương giá trị xuất khẩu trên 55 triệu USD. Trong khi đó, thị trường đơn lẻ khác đang gây chú ý lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Mexico. Riêng thị trường này, thời gian qua đã tiêu thụ sản phẩm cá tra đến trên 34 triệu USD, tăng 40% so với quý 1/2018.
Giá cá tra nguyên liệu ổn định mức 24.500 đồng/kg Nhiều nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL cho biết, giá cá tra nguyên liệu đang duy trì mức 24.500 đồng/kg. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp tăng cường thu mua để chuẩn bị xuất hàng sang Mỹ với kỳ vọng thuế chống bán phá giá sẽ được điều chỉnh giảm. Trong khi đó, cá size lớn cũng hút hàng vì Trung Quốc nhập hàng trở lại trong khi lượng cá loại này trong dân còn ít. |
Theo Thanh Niên