|
Nhóm cổ đông ‘mải đấu đá’ đã mất đi cơ hội kinh doanh của Eximbank? |
Eximbank chỉ là khoản đầu tư?
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) sắp sửa hoàn tất thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Đợt chuyển nhượng sẽ chia làm 2 lần. Đợt 1 là 8% sẽ diễn ra trong vài ngày tới sau đó sẽ bán nốt 7%”. Thông tin được một nguồn tin của PV xác nhận. Lý do theo lời nguồn tin để cơ cấu lại tập trung cho Nam A Bank và coi số cổ phần đó tại Eximbank như khoản đầu tư.
"Trước mắt đã chuyển nhượng 8%, trong vài ngày tới sẽ bán nốt 7% còn lại. Vì giá trị giao dịch rất lớn nên không thể thực hiện cùng một lúc", vị đại diện này nói
Lần giở lại mốc thời gian, việc đầu tư vào Eximbank của Nam A Bank diễn ra vào cuối năm 2014 khi một nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình chủ tịch Nam Á bank đã đầu tư cổ phiếu Eximbank từ năm 2014, sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê – cựu phó chủ tịch Sacombank. Thời gian nắm giữ tới nay đã được 5 năm.
Sau khi mua lại cổ phiếu từ ông Trầm Bê, nhóm này đã có kế hoạch đưa người vào Hội đồng quản trị Eximbank giai đoạn 2015 – 2016 nhưng bất thành. Hai lãnh đạo từ Nam Á Bank khi đó sang Eximbank đã phải quay về. Mãi tới đại hội cổ đông tháng 4/2018 thì bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam Á – người được cho là đại diện cho nhóm Nam Á, mới được bầu vào làm thành viên HĐQT và sau đó ngày 22/3/2019 được bầu làm chủ tịch ngân hàng.
Tuy nhiên, sau khi bà Tú lên làm chủ tịch với sự đồng thuận của nhóm 7 thành viên HĐQT, trong đó có 2 thành viên đại diện cho cổ đông lớn SBMC của Nhật, thì ông Lê Minh Quốc – thành viên HĐQT độc lập đồng thời là chủ tịch ngân hàng này đã “kiện” lại HĐQT vì cho rằng nghị quyết bầu chủ tịch mới và bãi nhiệm ông là không đúng luật.
Lập tức, Toà án TPHCM đã thụ lý vụ án và ngày 27/3 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết về thay đổi chủ tịch HĐQT. Ngay sau khi toà án ra quyết định, phía Eximbank đã khiếu nại, khẳng định những cáo buộc của ông Quốc là vô căn cứ và yêu cầu toà án huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Dự kiến cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Eximbank sẽ diễn ra vào 26/4 tới đây với thành phần được giữ nguyên như ĐHCĐ đã bầu trước đó.
Cuộc chiến cổ đông chưa hồi kết
Ai sẽ là cổ đông mới của Eximbank với số vốn đại diện từ phần chuyển nhượng từ Nam Á? Một nguồn tin chia sẻ, hiện đối tác mua là một nhà đầu tư lớn kinh doanh hàng tiêu dùng nổi tiếng ở Hà Nội. Như vậy, Eximbank sẽ có thêm "chủ mới" và không loại trừ tại đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4 tới đây nhóm này sẽ lộ diện.
Việc thêm nhóm cổ đông mới có làm tình hình của Eximbank tốt lên? Như Tiền Phong từng đề cập, cuộc chiến giữa các cổ đông nội bộ của Eximbank đã diễn ra trong thời gian dài tới gần 5 năm qua, với việc “đấu đá” nội bộ giữa các phe nhóm. Điều này, đã trực tiếp khiến cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng này rơi vào trạng thái trì trệ, kém hiệu quả.
Đề cập đến vấn đề này, một lãnh đạo NHNN từng có lần chia sẻ với PV: “vấn đề mấu chốt của Eximbank là các nhóm cổ đông phải đồng thuận bảo nhau mà làm ăn. Và quan trọng họ phải thực tâm muốn khoản đầu tư của mình sinh lời, vì lợi ích của tất cả các cổ đông và vì thương hiệu ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chỉ giám sát về mặt tuân thủ chính sách pháp luật, chứ không thể đứng ra để hòa giải những tranh cãi do chính họ gây ra”.
Như vậy, với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, nếu như tiếp tục không có sự đồng thuận của các nhóm cổ đông với nhau thì Eximbank sẽ khó có thể thoát khỏi khó khăn.
Từ đầu năm 2019, đặc biệt là từ tháng 3 đến thời điểm này, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chứng kiến các giao dịch thoả thuận liên tục với khối lượng rất lớn. Thống kê cho thấy, hơn 3 tháng qua có tổng cộng hơn 350 triệu cổ phiếu đã được trao tay với giá trị trên 5.600 tỷ đồng, tương đương gần 30% số cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank, trong đó có những phiên giao dịch tới cả nghìn tỷ.
Với thời giá hiện tại trên sàn cổ phiếu EIB rơi vào mức giá 17.000 đồng, theo nguồn tin trước đây Tiền phong có được, giá giao dịch EIB cách đây 5 năm của nhóm cổ đông đến từ Nam A Bank gần tương đương. Nhự vậy. khả năng khoản đầu tư của NH Nam Á vào EIB sẽ không mang lại lợi nhuận nào đáng kể, (chưa kể với khoản tiền hàng ngàn tỷ nếu gửi lãi ngân hàng không sẽ có lãi thế nào)
Tuy nhiên, với việc nhóm đầu tư Nam Á vẫn còn một số cổ phần khá lớn tại Eximbank và bà Lương Thị Cẩm Tú có thể ngồi ghế HĐQT đến hết nhiệm kỳ, dự đoán là cái tên Nam Á Bank vẫn còn được nhắc đến nhiều. Và quan trọng, nếu các nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói đồng thuận thực sự, dự là cuộc chiến cổ đông tại Eximbank còn chưa có hồi kết?
Thông tin sẽ được tiếp tục cập nhật đặc biệt trong ĐHCĐ Eximbank 26/4 tới đây.
Theo Tiền Phong