|
Sở Nội vụ TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo tình hình thực hiện việc xét duyệt và quản lý cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài năm 2018. Cụ thể: Trong năm 2018, TP.HCM có 17.767 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được xét duyệt đi nước ngoài (20.063 lượt), trong đó, đi nước ngoài về việc công là 2.275 người (2.759 lượt), đi nước ngoài về việc riêng là 15.492 người (17.274 lượt).
|
Trụ sở Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn thuộc SAGRI |
Đi nước ngoài về việc công hầu hết là tham gia các chương trình đào tạo đại học, sau đại học, các khóa nghiên cứu, thực tập, giao lưu trao đổi nghiên cứu sinh... bằng kinh phí tự túc hoặc do các chương trình, học bổng của các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước tài trợ. Đi nước ngoài về việc riêng chủ yểu là tham quan, du lịch, thăm người thân đang định cư, học tập ở nước ngoài hoặc chữa bệnh.
Đáng lưu ý, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết trong năm 2018 vẫn còn nhiều trường hợp đi nước ngoài không đúng quy định, trong đó có những vụ vi phạm tương đối nghiêm trọng, đơn cử như trường hợp xảy ra tại SAGRI.
Cụ thể: Người đại diện vốn doanh nghiệp của SAGRI tại Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn trong năm 2018 đi nước ngoài 11 lần nhưng SAGRI không xin ý kiến Chủ tịch UBND TP.HCM trước khi ban hành quyết định chấp thuận.
|
Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn |
Đây không phải lần đầu SAGRI “qua mặt” UBND TP.HCM. Theo kết luận thanh tra (KLTT) vừa được Thanh tra TP.HCM công bố mới đây, SAGRI còn “qua mặt” UBND TP.HCM gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt dự án (DA) đầu tư sử dụng đất công sản.
Cụ thể: DA cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) có diện tích hơn 89ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004.
Theo KLTT, SAGRI đồng ý cho Tổng công ty CP Phong Phú thay Công ty Hồng Lĩnh và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng công ty này để tiếp tục thực hiện DA nhưng không xin ý kiến của UBND TP.HCM.
Ngoài ra, DA trên chưa thực hiện hạ tầng kỹ thuật, mới chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30ha nên việc chuyển đổi chủ đầu tư còn vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
KLTT cũng chỉ ra SAGRI sử dụng các mặt bằng, nhà đất hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hóa, nhưng thực chất là cho thuê lại một phần, hoặc toàn bộ diện tích; sử dụng không đúng phương án xử lý tổng thể nhà đất của UBND TP.HCM, không đúng đối tượng và mục đích sử dụng đất; vi phạm Luật Đất đai năm 2003 và 2013. SAGRI phải chuyển nộp ngân sách nhà nước hơn 18 tỉ đồng từ việc cho thuê mặt bằng, nhà đất không đúng quy định.
Theo KLTT, các sai phạm trên thuộc trách nhiệm của Hội đồng thành viên (HĐTV), chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc và các cấp phó được phân công phụ trách các lĩnh vực liên quan; kế toán trưởng, người đại diện vốn nhà nước…thuộc SAGRI và đơn vị thành viên.
Trả lời Tiền Phong sáng 25/4, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết đã có kế hoạch tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo SAGRI, trong đó có ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc và các đơn vị thành viên liên quan.
|
Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng khi còn là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên Xung phong TP.HCM. Ông là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải |
Tháng 3/2017, Thanh tra TP.HCM đã phát hiện SAGRI có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, trong đó nghiêm trọng nhất là việc ông Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng ủy, thành viên không chuyên trách HĐTV, Tổng giám đốc SAGRI đã ký khống 10 hợp đồng tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng.
Liên quan đến các sai phạm phát hiện tại đợt thanh tra này, ông Lê Tấn Hùng đã bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền.
Theo Tiền Phong