Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra ngày 2/5 ở Hà Nội, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh tới khởi nghiệp sáng tạo và phương thức ứng xử với mô hình kinh tế mới: "Đây là khái niệm mới nhưng rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội bền vững, thể hiện rõ quan điểm của chính phủ rằng nền kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Theo ông Tùng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hiểu là những công ty mà nguồn lực chủ yếu bằng phát triển công nghệ, sử dụng tri thức và sáng tạo. Những doanh nghiệp này có tốc độ phát triển nhanh trên cơ sở khai thác các tài sản trí tuệ, có những sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới nhằm đa dạng hóa, số hóa các sản phẩm, dịch vụ thương mại, tài chính, sản xuất...
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Bộ Khoa học Công nghệ được giao chủ trì xây dựng và phát triển một môi trường bền vững và thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó bao gồm xây dựng và liên kết các thành phần hỗ trợ, đầu tư, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
Hiện thực hóa nhiệm vụ, Bộ Khoa học Công nghệ đã tổ chức Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia trong bốn năm, từ 2015 đến 2018, thu hút đông đảo hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt, đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu đã tới Việt Nam tham dự sự kiện năm 2018 - dấu ấn khẳng định hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang đi cùng khởi nghiệp trên thế giới.
Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng của khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cũng được nâng cao. Năm 2018, thu hút đầu tư khởi nghiệp đạt kỷ lục với 890 triệu USD, cao cấp ba lần con số của 2017. Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ kỳ vọng Ngày hội khởi nghiệp quốc gia 2019 tổ chức tháng 11 tại Quảng Ninh sẽ tiếp tục thu hút các hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng những thành quả ban đầu đó trước hết là do tiềm năng con người Việt Nam được đánh thức thông qua những chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát huy sức mạnh kinh tế tư nhân, là quyết tâm của chính phủ xây dựng thành công chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số. Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.
Để thúc đẩy khởi nghiệp, hội thảo đã lắng nghe các ý kiến đóng góp của chuyên gia, các doanh nghiệp, startup, trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn thông qua việc khuyến khích IPO, xem xét việc huy động vốn từ cộng đồng (crowd-funding), hợp tác công - tư trong đầu tư và các chính sách riêng cho các nhà đầu tư mạo hiểm.
Không chỉ phát triển mô hình kinh doanh mới mà cần các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp mới phù hợp với xu hướng, có thể gọi là "cò" khởi nghiệp tương tự trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, vấn đề pháp lý cần được tạo điều kiện, các cơ quan nhà nước cần nhìn nhận vấn đề theo cách đơn giản hơn. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần đưa khởi nghiệp sáng tạo thành một môn học với giáo trình chuẩn, khởi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
Theo VNE