Dow Jones hướng đến tháng 6 tăng điểm mạnh nhất trong 80 năm

Thứ tư, 19/06/2019, 08:54
Tuy nhiên nếu cuối ngày thứ Tư Fed không đưa ra thông điệp hạ lãi suất đủ mạnh giống như kỳ vọng của nhà đầu tư, mọi chuyện sẽ có thể đảo ngược.

Thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày thứ Ba tăng điểm mạnh, các chỉ số hướng đến mức cao kỷ lục bởi hy vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương nhiều nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh trong ngày thứ Ba giúp cho chỉ số công nghiệp Dow Jones hướng đến tháng 6 tăng điểm gần 7%, mức tăng mạnh nhất từ năm 1938. Vào tháng 6/1938, chỉ số tăng đến 24,3%, theo Dow Jones Market Data.
Chỉ số S&P 500 cũng có tháng 6 tăng điểm mạnh nhất, mức tăng đến hiện tại đạt 6%, mức cao nhất tính từ năm 1955 khi mà chỉ số của toàn thị trường tăng được 8,2%. Chỉ số Nasdaq tăng 6,8% và như vậy cũng có tháng 6 tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng tăng 16,6% trong năm 2000. S&P 500 thấp hơn 1% so với mức đóng cửa cao kỷ lục vào ngày 30/4/2019, còn Dow Jones thấp hơn 1,4% so với mức đỉnh cao mọi kỷ lục.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh có nguyên nhân bởi niềm tin rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào thời điểm kết thúc cuộc họp hai ngày cuối ngày thứ Tư sẽ phát đi tín hiệu hạ lãi suất cơ bản đồng USD nhằm ngăn chặn tác động thuế quan giữa Mỹ và một số nước đối tác thương mại lớn, đặc biệt Trung Quốc. Các yếu tố kể trên đã tác động nhiều đến kinh tế toàn cầu và đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo quan điểm của các chuyên gia phố Wall, nhiều khả năng sẽ có đến 3 đợt giảm lãi suất cơ bản đồng USD trong năm 2019 dù rằng sẽ không có đợt hạ lãi suất nào được đưa ra trong ngày thứ Tư, theo tính toán của CME.
Thị trường tăng điểm mạnh hơn nữa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ghi trạng thái trên Twitter rằng ông có kế hoạch gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật trong tháng này.
Tuy nhiên, một số chiến lược gia lo ngại rằng thị trường đã lạc quan thái quá, và rằng có thể bị thất vọng nếu Fed không đưa ra được thông điệp chính sách như họ mong muốn.
Chuyên gia quản lý quỹ tại Thornburg Investment Management, ông Jason Brady, nhận định: “Fed sẽ không hạ lãi suất và sẽ không thừa nhận sự chững lại của tăng trưởng kinh tế cũng như nhiều rủi ro xung quanh kết quả đàm phán thương
mại không rõ ràng”.
Thị trường chứng khoán Mỹ có thể tăng điểm khi lãi suất hạ bởi lãi suất giảm đồng nghĩa với việc chi phí lãi vay giảm đi cho doanh nghiệp và cá nhân. Dù vậy một đợt giảm lãi suất sẽ có thể cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ bi quan khi đánh giá về kinh tế, điều này tiềm ẩn khả năng tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn