|
Vị Tổng thống tự hào là " TARIFF MAN"
Ông Trump không phải nhà ngoại giao, nhà chính trị hay quân sự, ông ta thuần tuý là một nhà kinh doanh", ông Hà Tôn Vinh nói và khẳng định mỗi hành động của vị Tổng thống này đều bắt buộc thu về lợi ích. Điều này ông đã rút ra được kể từ lần gặp đầu tiên với ông Trump năm 2007, khi Trump còn là một nhà tài phiệt.
Ông Hà Tôn Vinh là người Mỹ gốc Việt, sống 50 năm ở Mỹ và là thành viên của Đảng Cộng Hoà. Ông cũng từng được Nhà Trắng bổ nhiệm làm chuyên gia, phục vụ 4 năm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan.
"Ông Trump kinh doanh rất nhiều thứ, bất động sản, truyền hình thực tế và các cuộc thi Hoa hậu (Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu thanh thiếu niên và Hoa hậu Mỹ). Hoa hậu hoàn vũ chính là lý do khiến tôi gặp ông ta", ông Vinh nói "nhờ vậy mà tôi cũng có vài lần được tiếp xúc với tỷ phú Trump".
Là một người kinh doanh giỏi, thực dụng, ông Trump luôn nhìn vào các lợi ích. Chính những điều này đã giúp mang lại cho ông Trump vị trí ông chủ Nhà Trắng với khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Vinh nhớ lại và cho biết bản thân từng hỗ trợ, vận động người châu Á hỗ trợ ông Trump. Dân chúng Mỹ đã quá chán ngán với những nhà lãnh đạo mang dáng vẻ đạo mạo và nói những lời hay ý đẹp. Cho nên khi ông Trump xuất hiện và đòi lại công bằng cho nước Mỹ, ông ta chiến thắng.
|
Một trong những đối tượng công kích của ông Trump, xuyên suốt từ đó đến nay là Trung Quốc. Theo đuổi thuyết thị trường tự do, nước Mỹ từng quyết định rằng cái gì mà những quốc gia, nền kinh tế khác làm tốt hơn thì để họ làm. Điều này đã vô tình làm lợi cho Trung Quốc mấy chục năm qua, theo ông Vinh. Và đến khi nhìn lại, nước Mỹ đã có một khoản thâm hụt khổng lồ với thị trường hơn 1 tỷ dân này. Năm 2016, khoản thâm hụt này là 300 tỷ USD, năm 2017 là khoảng 375 tỷ USD, năm 2018 là 491 tỷ USD.
"Những khoản thâm hụt thương mại này là không thể chấp nhận được với Tổng thống Trump", ông Vinh nhấn mạnh và nói rằng ông Trump muốn thay đổi cuộc chơi.
Thuế nhập khẩu là thứ công cụ được ông Trump sử dụng mạnh mẽ. Kể từ khi phát động cuộc chiến thương mại cách đây hơn 1 năm, chính quyền ông Trump đã áp thuế quan bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã áp trả bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hoá Mỹ. Tháng 5/2019, khi căng thẳng leo thang, ông Trump đã nâng thuế quan từ mức 10% trước đó lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, đổi lại nước này trả đũa bằng cách tăng thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ.
|
"Với 300 tỷ hàng hoá còn lại, Tổng thống Trump nhiều khả năng cũng dám chơi đến cùng", ông Vinh nhận định. Điều này có thể dự kiến được khi ông Trump hôm 10/6 đã tuyên bố "sẽ áp thuế ngay lập tức nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước trong nhóm G20 tại Osaka, Nhật Bản cuối tháng 6/2019".
"Đó là sự ngạo mạn của ông Trump. Và nhiều người Mỹ thì thích thái độ đó", ông Vinh nhận xét. Theo ông, Hoa Kỳ đang ở thế cửa trên trong cuộc chơi này và còn nhiều dư địa để có thể tạo sức ép với Trung Quốc. Một nửa tổng số hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ hiện chưa bị áp thuế trong khi Bắc Kinh đã chạm ngưỡng.
"Tổng thống Trumnp sẽ tiếp tục cứng rắn trong vấn đề thuế quan, bởi đó là vũ khí hữu hiệu và chính đáng nhất của Mỹ". GS. Hà Tôn Vinh |
"Tổng thống Trump rất tự hào về chiến lược đánh thuế của mình. Ông không giấu diếm khi gọi mình là ‘Tariff man’ – người đàn ông thuế quan", ông Hà Tôn Vinh nói.
Và chính sách này đã thu được một số kết quả tiêu biểu, ví dụ như với trường hợp của Trung Quốc hay Mexico.
Mexico, để đổi lại việc hoãn thuế vô thời hạn từ Nhà Trắng, vừa qua đã đồng ý thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp sang Hoa Kỳ. Thậm chí nước này còn phải cử lực lượng Vệ binh Quốc gia tuần tra các địa điểm xuyên suốt đất nước, ưu tiên đặc biệt đến biên giới phía Nam Mexico.
Trung Quốc, trong các vòng đàm phán cũng đã nhượng bộ bằng cách hứa mua thêm hàng hoá của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại.
"Với những kết quả như vậy, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với vấn đề thuế quan. Bởi đó là vũ khí hữu hiệu và chính đáng nhất của Mỹ", ông Vinh nhấn mạnh.
Theo GS. Hà Tôn Vinh, nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc cho đến khi chiến thắng tại cuộc tranh cử năm 2020. "Ông ấy có thể hoà hoãn, nhưng đấy là chuyện của sau này", ông Vinh nhận định và cho biết công cụ thuế sẽ tiếp tục được sử dụng mạnh mẽ.
"Nó giống như uống thuốc, đang thấy thuốc này tốt, giảm bệnh thì tại sao lại ngừng. Ông Trump chưa có lý do gì để thay đổi chiến thuật", ông Vinh ví von.
Hãng tin CNN dẫn kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Viện Khảo sát Gallup cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ cho Tổng thống Trump trong nửa cuối tháng 4 đã đạt mức cao kỷ lục. Tỷ lệ này đang đạt mức 46%, tăng 1 điểm % so với nửa đầu tháng 4.
Theo kết quả khảo sát của Gallup, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là mức ủng hộ cao nhất mà ông nhận được kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017.
|
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Hoa Kỳ theo số liệu do Bộ Thương mại nước này công bố mới đây đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt ngưỡng 20.000 tỷ USD, vượt dự báo trước đó. Tình trạng việc làm của Mỹ cũng khả quan hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục, hiện tại đang ở ngưỡng 3,6%.
"Người Mỹ rất thực tế nên điểu quan tâm duy nhất của họ là túi tiền, nghĩa là mọi vấn đề chính trị nước này đều xoay quanh vấn đề kinh tế và quyền lợi quốc gia. GS. Hà Tôn Vinh |
"Người Mỹ rất thực tế nên điều quan tâm duy nhất của họ là túi tiền", ông Vinh bình luận. Nghĩa là mọi vấn đề chính trị nước này đều xoay quanh về vấn đề kinh tế và quyền lợi quốc gia. Do đó, một khi kinh tế ổn định và phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp thì mức độ tín nhiệm của người dân đối với chính trị gia cao sẽ lên cao. Đây là đặc điểm nhất quán của chính trị Mỹ trong bất kỳ đời Tổng thống thuộc bất cứ đảng phái nào.
"Khẩu hiệu mới của ông Trump cho chiến dịch tranh cử tới là Keep America Great – Giữ cho nước Mỹ hùng mạnh", GS. Hà Tôn Vinh nói và đánh giá đây là một sự tiếp nối hợp lý cho những gì mà ông Trump đã làm kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2017. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng ông Trump sẽ làm mọi cách cứng rắn để giữ vững được niềm tin của người dân nước này.
Nhưng với Việt Nam luôn có sự đặc biệt hơn.
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ gần như không khoan nhượng với bất cứ quốc gia nào gây thương hại đến quyền lợi của mình. Ví dụ gần đây nhất là Ấn Độ. Tổng thống Trump hôm 31/5 đã xoá bỏ các ưu đãi thuế quan cho hơn 2.000 sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ vào Hoa Kỳ vì Ấn Độ không đảm bảo cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ quyền tiếp cận thị trường công bằng và hợp lý.
Cho rằng Việt Nam, với thặng dư thương mại lớn với Mỹ, nhiều khả năng chịu rủi ro sẽ bị áp thuế tương tự, nhưng ông Vinh cũng chỉ ra rằng Mỹ luôn có mối quan tâm đặc biệt và có sự ưu đãi nhất định với nền kinh tế hơn 94 triệu dân.
|
Thứ nhất Việt Nam có thể trở thành nguồn hàng hoá bổ sung cho Mỹ trong trường hợp hàng hoá Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan. Do vậy, nếu áp thuế đồng loạt với cùng một lúc nhiều nước, người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
"Mỹ vẫn cần thêm sự ủng hộ từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương bên cạnh những đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. GS.Hà Tôn Vinh |
"Mặt khác vị thế địa chính trị của Việt Nam quá đặc biệt", ông Vinh nhận xét. Về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần thêm sự ủng hộ từ khu vực châu Á Thái Bình Dương bên cạnh những đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Việt Nam hiện được Hoa Kỳ xem là đối tác mới nổi có tầm quan trọng trong khu vực. Theo ông Vinh, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Trump kể từ khi nhậm chức đến nay đã 2 lần sang Việt Nam. "Tổng thống Trump là người có tầm nhìn chiến lược và có óc thực dụng, ông ta sẽ không bao giờ làm những thứ gì không cần thiết và không có lợi cho Hoa Kỳ", ông Vinh khẳng định.
Theo Tri Thức Trẻ