Thương chiến Mỹ-Trung sẽ đi về đâu?

Thứ ba, 08/10/2019, 15:50
Cuộc đối đầu thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng còn tiếp tục leo thang, ít nhất là đến hết năm 2020.

Hơn 1 năm qua, Washington và Bắc Kinh dắt tay nhau qua hơn chục vòng đàm phán với hy vọng tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng.

Ngày 10-11/10 tới tại Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia cuộc thương thảo với các quan chức Mỹ trong vòng đàm phán thứ 13. Tuy nhiên, những bất đồng trong hàng loạt các vấn đề giữa 2 bên khiến giới quan sát tin rằng cuộc thảo luận vào cuối tuần này sẽ không đem lại đột phá.

Phái đoàn Mỹ - Trung đàm phán tại Washington. (Ảnh: SCMP)

Chưa ai rõ những gì sẽ diễn ra tiếp theo sau mốc đàm phán sắp tới, nhưng các chuyên gia cho rằng thương chiến Mỹ -Trung Quốc sẽ dẫn đến một trong hai giải pháp:

Tạm đình chiến do một trong hai nước nhượng bộ, có thể vì lý do kinh tế hay có thể vì lý do chính trị. Trung Quốc có thể nhượng bộ vì sợ khủng hoảng kinh tế và dân chúng mất việc làm sẽ nổi loạn. Thêm vào đó, Mỹ càng ngày càng đem những yếu tố khác vào như là Hong Kong, vv. để ép Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ cũng có thể nhượng bộ vì lý do bầu cử sắp đến và vì lo ngại về suy thoái kinh tế tạo ra nhiều áp lực chính trị trong nước. Lẽ dĩ nhiên nước nào nhượng bộ cũng đều nêu một lý do thật là "chính đáng" bên ngoài để che lấp lý do của mình.

Tiếp tục tiến xa hơn trong cuộc chiến. Trừ khi có thỏa hiệp giữa Trump và Tập, cuộc chiến thương mại rất dễ leo thang. Mỹ có thể tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc cũng có thể làm như vậy đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Trung Quốc có thể thắt chặt kiểm soát đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc. Ông Trump đã thẳng thắn kêu các công ty Mỹ rời Trung Quốc đi các nước khác, nhất là về lại Mỹ. Tổng thống Trump đang theo đuổi việc thực hiện các cam kết chính trị của mình. Ông Trump cũng nhiều lần nói rằng, Mỹ không muốn một thỏa thuận "hẹp" với Trung Quốc mà đó phải là một thỏa thuận toàn diện, và quan trọng là có lợi cho Mỹ. Do đó, khả năng cao là Mỹ sẽ có thêm nhiều hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đặt ra về giảm thâm hụt cán cân thương mại.

Mỹ từ lâu coi Trung Quốc là “trung tâm mọi rắc rối thương mại của Mỹ”, là “nguyên nhân thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ”.

Một số người cho rằng Trung Quốc có thể bán số lượng Tín phiếu Kho bạc (Treasury Bills) của Mỹ mà Trung Quốc đang cất giữ như tài sản (khoảng 5 % tổng số nợ của Mỹ) và điều đó sẽ tạo áp lực lên phía Mỹ. Nhưng chuyện đó khó có thể xảy ra vì hai lý do. Thứ nhất, hiện tại trên thế giới không có công cụ tài chánh gì chắc ăn bằng công khố phiếu Tín phiếu Kho bạc của Mỹ. Thứ hai, nếu Trung Quốc bán Tín phiếu Kho bạc, giá của Tín phiếu Kho bạc sẽ giảm mạnh, làm giảm giá trị tài sản trong nước cũng như trữ lượng của Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc sẽ là người bị thiệt thòi đầu tiên.

Mỹ cũng có thể dùng những biện pháp cứng rắn hơn. Mỹ có thể cắt các ngân hàng Trung Quốc khỏi các hệ thống thanh toán và thanh toán bằng đô la Mỹ, giống như họ đã làm với Iran. Họ cũng có thể đóng băng tài sản ở nước ngoài của các công ty nhà nước Trung Quốc và cấm các tổ chức tài chính của Mỹ đầu tư vào thị trường trái phiếu và vốn cổ phần của Trung Quốc. Những biện pháp này sẽ có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc.

Nhưng dù giải pháp 1 hay 2 xảy ra, mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay lùi lại mức độ đã có trong ba thập niên qua. Dù là đảng Cộng hoà hay Dân chủ lên cầm quyền, Mỹ sẽ làm mọi cách để ngăn ngừa Trung Quốc đe dọa vị trí của Mỹ trên thế giới. Các nước khác trên thế giới cũng nhìn thấy điều này và vô hình chung thế giới sẽ được chia thành hai phe: phe Trung Quốc và phe không Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo. Điều này chưa chắc sẽ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc nhưng ít ra sẽ tạo ra nhiều khó khăn trên đường tiến lên của Trung Quốc.

Với những lý do trên có thể nhận định rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhiều khả năng còn tiếp tục leo thang, ít nhất là đến hết năm 2020 vì đây không phải là cuộc chiến tranh thương mại đơn thuần mà sâu sa hơn, đó là cuộc cạnh tranh giành vị thế chính trị và kinh tế.

Điều này đã, đang gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như các nền kinh tế mở khác trên thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở, cho nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh này đưa lại, tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội. Chính phủ Việt Nam cần nâng cao vai trò quản lý, hướng dẫn kết hợp. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần biết tận dụng, cập nhật, nâng cao chất lượng để biến những khó khăn thành cơ hội cho chính mình.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích