Giữa tháng 9, các nhà lập pháp bang California, Mỹ thông qua dự luật AB5 mang tính bước ngoặt với quan hệ lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ. California chính là nơi các công ty khai sinh định nghĩa kinh tế chia sẻ như Uber đặt trụ sở.
Theo dự luật AB5, một người sẽ được coi là nhân viên nếu đơn vị thuê mướn họ kiểm soát các thao tác trong công việc hoặc nếu công việc đó đóng góp vào mảng kinh doanh chính của công ty. Khi được xem là nhân viên, người làm việc sẽ hưởng các phúc lợi cơ bản như bảo hiểm, lương tối thiểu.
Tác động của AB5 sẽ điều chỉnh mô hình của các doanh nghiệp như Uber, Lyft với việc xem tài xế là nhân viên thay vì đối tác.
Trong khi đó, tài xế công nghệ của các hãng gọi xe ở Việt Nam như Grab, Go-Viet vẫn là đối tác. Mối quan hệ này liệu có thể được xác lập theo hướng chủ lao động và người làm công như cách bang California đã làm?
Băng rôn ủng hộ dự luật AB5 của bang California. (Ảnh: AP). |
Phân tích dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi dự kiến được trình và thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, phụ trách pháp lý một doanh nghiệp quốc tế tại TP.HCM tên Minh cho rằng tài xế công nghệ cần được xem là người lao động của các hãng gọi xe.
Quan điểm của ông Minh dựa trên khái niệm trong dự thảo "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về công việc phải làm, có trả công và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động".
"Tuy nhiên, do quy định của dự thảo luật không thật sự rõ nên tôi cũng không dám khẳng định 100%. Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng vậy, các quy định của luật, bộ luật thường quy định khái quát chung các mối quan hệ xã hội và không đi vào một trường hợp cụ thể nào như trường hợp tài xế công nghệ", ông Minh cho biết.
Theo ông, cần thêm hướng dẫn chính thức trong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư về trường hợp này.
Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Sơn, trưởng văn phòng luật VNC ở TP.HCM nêu quan điểm dựa trên Bộ luật Lao động hiện hành, việc tài xế công nghệ không được các hãng gọi xe như Grab, Go-Viet ký kết hợp đồng lao động theo là không phù hợp. Ông Sơn đánh giá thực chất, tài xế đang làm việc cho các hãng gọi xe.
Luật sư Sơn cho rằng mấu chốt nằm ở việc các doanh nghiệp như Grab, Go-Viet đang kinh doanh dưới dạng thí điểm trong thời gian chờ nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Sau 5 năm có mặt tại Việt Nam, mô hình của Grab hay Go-Viet vẫn trong diện thí điểm. |
"Vì còn thí điểm, họ chưa được định danh rõ ràng là công ty vận tải hay công nghệ. Chính phủ cần sớm định danh rõ loại hình kinh doanh của Grab, Go-Viet để có thể ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp này. Nếu không, thiệt thòi sẽ bị đẩy về phía những tài xế. Hiện tài xế là bên yếu thế hơn trong mô hình này", ông Sơn nhấn mạnh.
Vị luật sư đề xuất nghị định mới thay thế Nghị định 86 nên dẫn chiếu quan hệ giữa các công ty gọi xe và tài xế vận chuyển hành khách, hàng hóa sang Bộ luật Lao động. Khi đó, các doanh nghiệp không thể lách và phải tuân thủ Bộ luật Lao động.
Lấy ví dụ về thời gian làm việc, luật sư Sơn cho rằng tài xế tham gia các ứng dụng có thể chạy xe tới mười mấy tiếng mỗi ngày chứ không phải lao động 8 tiếng như các công việc thông thường.
"Nếu một tài xế chạy xe quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và an toàn cho cả hành khách. Điều này rất nguy hiểm. Cần xác lập hợp đồng lao động giữa hãng gọi xe và tài xế để quy định những điều khoản như thế", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo luật sư, việc xác lập hợp đồng lao động có lợi không chỉ cho tài xế mà còn cho các doanh nghiệp như Grab, Go-Viet. Bên cung cấp dịch vụ cũng xác định rõ quyền và trách nhiệm của họ. Khi xác lập hợp đồng lao động, tài xế cũng sẽ buộc phải tuân thủ quy định, không tự do như trước.
Luật sư Sơn cho rằng việc này không phải để siết chặt, không tạo điều kiện cho các ứng dụng hoạt động mà để ràng buộc trách nhiệm của họ. Điều quan trọng là thiết kế thế nào cho phù hợp chứ không buộc họ tuân theo loại hình kinh doanh truyền thống.
Các tài xế công nghệ không được hưởng những quyền lợi lao động dù có thể làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày. |
Ông gợi ý các công ty gọi xe có thể quy định cơ chế lao động đặc thù như kiểu phát việc, người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít hưởng ít, hợp đồng linh động hơn so với các doanh nghiệp truyền thống. Ông cho rằng các doanh nghiệp có thể tự soạn thảo hợp đồng mẫu và đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Lao động Thương binh Xã hội tùy quy định cụ thể.
Ông Quốc Hùng, một tài xế GrabCar tại TP.HCM, hào hứng trước viễn cảnh mình và các đồng nghiệp sẽ hưởng phúc lợi khi trở thành nhân viên thay vì đối tác của hãng gọi xe.
Tuy nhiên, ông cũng lo lắng nếu các hãng tốn thêm chi phí cho tài xế sẽ dẫn đến việc giá cước tăng và khách hàng sẽ cân nhắc lựa chọn xe công nghệ và các loại hình vận chuyển khác. Cuối cùng, thu nhập của tài xế có thể bị ảnh hưởng.
Theo ông Minh, nếu các công ty dịch vụ công nghệ buộc phải chuyển tài xế từ đối tác sang người lao động, đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải chịu ràng buộc bởi pháp luật lao động như phải có nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc, đảm bảo tiền lương tối thiểu, tiền làm thêm giờ. Kéo theo đó là các ràng buộc khá phức tạp về vấn đề quản trị nhân sự.
"Khả năng cao là các công ty dịch vụ công nghệ sẽ tìm nhiều cách để bù đắp vào nghĩa vụ tài chính trên, việc tăng giá cước đối với khách hàng sử dụng dịch vụ có thể là một trong số đó. Tuy nhiên, với tình hình có nhiều hãng gọi xe đang cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, các hãng cũng không dám mạnh tay để tăng giá cước quá cao", ông Minh nhận định.
Theo Zing