Dự án cao tốc Bắc - Nam: “Không có chuyện chỉ định thầu”

Thứ bảy, 28/09/2019, 11:46
Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, các tiêu chí vốn điều lệ, bảo lãnh hay “lời ăn lỗ chịu” đều không thay đổi.

Cao tốc La Sơn - Tuý Loan

Tại buổi họp báo quý III/2019 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức chiều 27/9, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã thông báo về việc huỷ sơ tuyển đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án đối tác công –tư (PPP) thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam nhánh Đông chuyển sang đấu thầu trong nước rộng rãi.

Như vậy, chắc chắn sẽ mất thêm thời gian để sơ tuyển và Bộ GTVT cũng đã có những chỉ đạo trong những ngày vừa qua. Hiện nay, các Ban Quản lý dự án (QLDA) đang khẩn trương thông báo cho các ứng viên đã dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế về quyết định này.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu các Ban QLQA hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi và sẽ phát hành hồ sơ vào tháng 10 tới.
Vướng mắc lớn nhất là vốn tín dụng
Trao đổi xoay quanh quyết định này và các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án PPP của tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông giai đoạn 2017 - 2020, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho hay, việc huỷ đấu thầu quốc tế với Dự án cao tốc Bắc – Nam là cơ hội tham gia của các nhà đầu tư nói chung trên cả nước, đặc biệt là nhà đầu tư hạ tầng.
"Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ tiếp chứ không phải huỷ thầu quốc tế là các nhà đầu tư nội sẽ làm được ngay", ông Thế nói.
Về nguồn vốn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, cần điều chỉnh tiêu chí lựa chọn, không xét riêng từng nhà đầu tư mà xét tổng nguồn vốn trong liên danh đạt đủ tiêu chuẩn là được, bởi nguồn vốn đầu tư với các dự án này quá lớn với khả năng tài chính của các nhà đầu tư nội.
Còn đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước khi tham gia hỗ trợ dự án thì phải đảm bảo nguồn vốn đó có kế hoạch và thời điểm giải ngân rõ ràng. Như vậy mới đánh giá được hiệu quả của dự án, tránh tình trạng có kế hoạch vốn nhưng không giải ngân được hoặc chưa có nguồn để giải ngân, ông Thế nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả
Đặc biệt, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, nguồn vốn tín dụng đang là vấn đề vướng mắc nhất của các nhà đầu tư khi muốn tham gia dự án này.
Mặc dù, Chính phủ có chủ trương ưu tiên hỗ trợ cho vay với các dự án hạ tầng nhưng ngành ngân hàng lại liên tục ra các văn bản cảnh báo, chỉ đạo các ngân hàng thương mại về việc cho vay hạ tầng là lĩnh vực rủi ro nên phải hạn chế. Một điểm nữa là vốn điều lệ hay hệ số an toàn của các ngân hàng thương mại cũng là một trong những lý do khiến họ hạn chế cho vay các dự án PPP.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin
Xét trên hợp cộng năng lực liên danh
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin (nhà đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho hay, Phương Thành đang liên danh với một nhà đầu tư xem xét tham gia dự án này. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải tìm được ngân hàng tài trợ vốn.
Vị này kiến nghị sắp tới trong hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT nên tuân thủ theo các quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đưa ra các tiêu chí mời thầu. Có như vậy, các nhà đầu tư trong nước mới liên danh liên kết được với nhau để tham gia dự án.
“Còn nếu quy định nhà đầu tư nào cũng phải có đồng thời năng lực tài chính, năng lực thi công thì khó tìm ra được nhà đầu tư như vậy. Ví như nhà đầu tư A có năng lực tài chính có thể liên kết với nhà đầu tư B có năng lực thi công. Khi đó các nhà đầu tư nội mới có thể tham gia được dự án này. Mặt khác, nếu dự án có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng có thể yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 15%, còn trên 1.5000 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu là 10% thì hợp lý”, ông Phạm Văn Khôi đề xuất.
Không bảo lãnh doanh thu, chia nhỏ dự án
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông 
Thông tin về các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Nghị quyết 52 của Quốc hội đã quy định chi tiết một số tiêu chí trong đấu thầu, cụ thể là đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% nên sẽ không có gì thay đổi.
Ngoài ra, Nghị quyết 52 cũng xác định đây là dự án không bảo lãnh về doanh thu, khoản vay. Do đó, quy định này sẽ tiếp tục duy trì trong đợt đấu thầu rộng rãi trong nước. Dù vậy, Bộ GTVT đang nghiên cứu và có thể điều chỉnh một số tiêu chí, nhất là về kinh nghiệm.
Bởi xét trong bối cảnh Việt Nam mới có khoảng 800-900 Km đường cao tốc thì yếu tố kinh nghiệm của nhà đầu tư cần được xem xét cho phù hợp. Như vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định các tiêu chí trong đợt mở thầu mới bao gồm: Vốn điều lệ, bảo lãnh hay “lời ăn lỗ chịu” đều không thay đổi.
Về vấn đề có chia nhỏ thành các gói thầu với giá trị thấp hơn không? Bộ GTVT cho biết, Nghị quyết 52 đã xác định Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP.
Các dự án này đã “chốt” địa điểm, chiều dài tuyến nên sẽ không có chuyện thay đổi hay chia nhỏ. Việc chọn tuyến đường dự án từ đâu đến đâu đã được tính toán kỹ đến việc kết nối và thu phí. Vì vậy, không thể làm vài km xong kết nối để thu phí. Trạm thu phí đã được tính toán cho khả năng hoàn vốn, Thứ trưởng Đông thông tin.
Trong trường hợp không chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án thì Bộ GTVT sẽ báo cáo lại Thường vụ Quốc hội để chuyển hình thức đầu tư. “Có thể sang hình thức đầu tư công chứ không có chuyện chỉ định nhà đầu tư”, Thứ trưởng Đông khẳng định.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn