|
Cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) nhiều thất thoát, sai phạm |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15.6.2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện cơ cấu lại, nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực. Cùng với đó, trong giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỉ đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tính hết quý 2.2019, mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%. Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, thậm chí là quá chậm.
Tại chương trình hành động, Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm. Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường xuyên rà soát, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017; phối hợp với cơ quan thanh tra các cấp thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục.
Đồng thời, thực hiện thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Rà soát, xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn vừa qua; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu công khai thông tin đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định hiện hành.
Theo Thanh Niên