Doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc – Nam: Vốn ở đâu và làm sao tránh nạn "sân trước sân sau"?

Thứ năm, 26/09/2019, 17:16
Doanh nghiệp Việt đủ năng lực để làm tốt đường cao tốc Bắc – Nam nhưng phải có phương án huy động vốn và nhà quản lý cần cảnh giác với nạn "quân xanh quân đỏ".

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định được dư luận hoan nghênh là hủy việc sơ tuyển nhà thầu quốc tế cho 8 đoạn của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và thay bằng tổ chức đấu thầu trong nước.

Ngoài “đảm bảo anh ninh quốc phòng”, quyết định của Bộ còn nhằm “phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước” tham gia đầu tư và “phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam” trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

Các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ nhiều quan điểm, ý kiến về thông tin này.

Tín hiệu tích cực

Dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án là đầu tư công và 8 dự án được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư được phê duyệt lên đến hơn 102.500 tỷ đồng, trong đó hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, hơn 51.000 tỷ đồng do các nhà đầu tư huy động.

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương.

Kể từ khi công bố, dự án đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt trong việc lựa chọn nhà thầu. Sau một thời gian đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau, ngày 24/9, Bộ Giao thông Vận tải chính thức tuyên bố chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam.

Trả lời PV liên quan đến vấn đề này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng việc thay đổi phương thức lựa chọn nhà thầu cho thấy nhiều ý nghĩa tích cực.

Ông Thành nói: “Đối với những dự án đầu tư quan trọng mình phải tính đầy đủ các yếu tố, từ hiệu quả dự án về kinh tế, môi trường và cả an ninh quốc phòng. Tôi cho rằng việc Bộ Giao thông Vận tải tính toán như thế là cần thiết”.

Theo TS Võ Trí Thành, lựa chọn phương thức thực hiện Dự án cao tốc Bắc – Nam không phải chỉ là phải tính đến các tác động trước mắt mà còn là công tác nhìn nhận tổng thể trong phát triển lâu dài và tương lai của đất nước.

Việc hủy đấu thầu quốc tế cho thấy Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đặt niềm tin rất lớn vào doanh nghiệp nội. Đây được coi là cơ hội song cũng là thách thức. Nhưng liệu doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực thi công, khả năng tài chính và kinh nghiệm để thực hiện? PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, cho rằng một số các nhà thầu tại Việt Nam đủ sức làm tốt dự án cao tốc trọng điểm này.

“Tôi cho rằng việc điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế sang hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước là một lựa chọn đúng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có đủ năng lực để làm những dự án giao thông quy mô lớn với chất lượng tốt”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Ông Thiên nói thêm về lợi ích lâu dài cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội lớn lên: “Không làm thì không có kinh nghiệm. Giờ cứ đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm làm cao tốc mới được làm thì ở Việt Nam chẳng có doanh nghiệp nào lọt được vào đó cả”.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cũng bày tỏ quan điểm: “Hủy bỏ đấu thầu quốc tế cũng sẽ loại được những nhà thầu nước ngoài ít kinh nghiệm, như nhà thầu Trung Quốc mà hiện nay chúng ta đã thấy ở Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Có thể nói đây là một công trình quá nhiều tai tiếng. Việc rút bài học kinh nghiệm sau tuyến đường này là rất cần thiết”.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên đường cao tốc Bắc - Nam rất quan trọng là tuyến đường xung yếu, gắn với yếu tố về an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà thầu phải tính toán thật kỹ lưỡng.

“Thực tế cho thấy nhiều công trình giao thông do doanh nghiệp nước ngoài làm nhưng chất lượng quá kém, giá thành quá cao, lại bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội rất lớn”, ông Thiên nói và cho rằng phương án lựa chọn hình thức đấu thầu mới sẽ tránh được những rủi ro giống như nhiều dự án làm đường giao thông khác.

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành băn khoăn việc thay đổi như thế có thể tạo ra tiền lệ, để lại ấn tượng không tích cực trong con mắt của các nhà đầu tư. “Xét một cách tổng thể, cách làm của ta như thế có thể tạo ra sự chưa chắc chắn, bất định trong cách nhìn của thị trường và các nhà đầu tư. Tuy có linh hoạt, có ngoại trừ nhưng về tinh thần phải cạnh tranh và đấu thầu quốc tế”, ông Thành đánh giá.

Vốn ở đâu?

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại các nhà thầu Việt Nam không đủ nguồn vốn và có thể sẽ vay vốn nước ngoài, dẫn đến bị phụ thuộc. Trả lời câu hỏi này, TS Lê Đăng Doanh nói, trong trường hợp cần huy động vốn thêm, các doanh nghiệp trong nước có thể bán trái phiếu doanh nghiệp, và kêu gọi sự trợ giúp của người dân và Chính phủ.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương.

“Tôi nghĩ việc huy động vốn có nhiều hình thức, có thể huy động trái phiếu doanh nghiệp hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng đường cao tốc. Tôi nghĩ nếu phát động như vậy, với tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam thì tôi tin sẽ có nhiều người hưởng ứng”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Không phải “miếng bánh” để chia chác

Ủng hộ phương án để nhà thầu trong nước thực hiện nhưng các chuyên gia hy vọng Dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được xây dựng trên tinh thần minh bạch, công khai vì đây là công trình trọng điểm, thành công dự án này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên để làm tốt thì Việt Nam phải thay đổi rất nhiều về đấu thầu, về quản trị, nếu không lại rơi vào tình trạng “quân xanh quân đỏ”, chia chác với nhau, bố trí “sân trước sân sau”.

Ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh rằng các nguyên tắc của việc hợp tác phải được thiết kế sao cho bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên “nếu không sẽ gây ra những câu chuyện rất phức tạp, giống như BOT, tổn hại cả nhà đầu tư, cả người sử dụng, cả ngân sách nhà nước”.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cao tốc Bắc - Nam là dịp để các nhà thầu trong nước thể hiện năng lực cạnh tranh và năng lực kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tham gia với chất lượng tốt nhất, hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là cái gì người Việt làm được sẽ để người Việt làm nhưng trong quá trình triển khai cần có sự tham gia giám sát của các chuyên gia độc lập để công trình được hoàn thành với chất lượng cao nhất.

“Có thể là chuyên gia nước ngoài, hay trong nước tùy yêu cầu công trình chứ không nhất thiết sùng bái nước ngoài một cách quá mức. Tôi thấy hiện nay Việt Nam đã có nhiều chuyên gia tham gia vào các dự án nước ngoài. Nếu có thể sàng lọc được, có thể mời được các chuyên gia Việt kiều tham gia đó cũng là cách thể hiện tinh thần đoàn kết của chúng ta”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Theo VTC

Các tin cũ hơn