Việc hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam dưới góc nhìn chuyên gia ADB

Thứ năm, 26/09/2019, 08:50
"Khi đặt việc phát triển đường cao tốc Bắc Nam trong bối cảnh những ưu tiên của nhà nước đối với việc phát triển kinh tế - xã hội chưa được định hình, các nhà đầu tư sẽ không tránh khỏi bối rối".

Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Hôm qua (24/9), Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông do số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Theo ông việc hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam có ảnh hưởng tới đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam không?
Thực ra, theo kinh nghiệm của một số nước, việc hủy đấu thầu cũng không phải là việc quá mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là chỗ chúng ta đang ở trong bối cảnh vẫn chưa biết rõ liệu Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) của Việt Nam sẽ được hoàn thiện theo hướng nào, khi nào chính thức ban hành.
Các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam, đặc biệt là khi nhìn vào bức tranh phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, họ sẽ quan tâm chính đến bức tranh tổng thể. Thứ nhất là tình hình đầu tư công của Việt Nam cũng như kế hoạch đầu tư công của Việt Nam đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng như thế nào. Những điều này hiện nay Việt Nam cũng chưa có chính sách cụ thể, bởi vì kế hoạch đầu tư công lại phụ thuộc vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trung hạn 2021 - 2025. Mà kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn hiện giờ đang soạn thảo, chiến lược kinh tế đến năm 2030 cũng chưa có.
Cho nên, khi đặt việc phát triển đường cao tốc Bắc Nam trong bối cảnh những ưu tiên của nhà nước đối với việc phát triển kinh tế - xã hội là chưa được định hình và những ưu tiên đó sẽ được thể hiện như thế nào trong kế hoạch đầu tư công và ngoài đầu tư công ra còn có ngân sách nhà nước. Việc phân bổ ngân sách nhà nước cũng phải dựa trên những ưu tiên để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư sẽ không tránh khỏi bối rối bởi vì chưa biết những trọng tâm của Chính phủ sẽ đặt vào đâu, ngân sách nhà nước sẽ được phân bổ như thế nào, sau khi ngân sách nhà nước phân bổ xong thì mới đến đầu tư công. Chỗ nào sẽ là đầu tư công? Chỗ nào sẽ là ODA? Chỗ nào sẽ là đầu tư nước ngoài? Nếu như các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn họ nhìn vào thì họ sẽ quan tâm đến điều đó hơn thay vì nhìn vào một dự án. Bất cứ ai nhìn vào một dự án cũng không thể thấy được bức tranh tổng thể.
Vậy việc đấu thầu bị gián đoạn liệu có ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đường cao tốc Bắc Nam theo đúng lộ trình đề ra hay không, thưa ông?
Điều này còn phụ thuộc vào tình trạng các nguồn vốn hiện nay. Ở Việt Nam, có rất nhiều cách để tiếp cận nguồn vốn, bao gồm cả vốn FDI, ODA. Cách tốt nhất là Chính phủ cần xem xét nên sử dụng nguồn vốn nào.
Từ trước đến nay do vấn đề nợ công nên Việt Nam hạn chế sử dụng các nguồn vốn có thể tác động đến nợ công và quay sang sử dụng các nguồn vốn tư nhân, thông qua hình thức PPP hoặc đấu thầu. Nhưng với bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam tốt như hiện nay và nợ công tiếp tục được cải thiện thì việc cân nhắc lại sử dụng các nguồn vốn là cần thiết, không nên vội vàng. Bởi nếu theo một phương thức vội vàng sẽ ảnh hưởng đến không chỉ chất lượng vốn mà còn là toàn bộ quá trình phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối Bắc Nam.
Tất nhiên việc hủy đấu thầu cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là lựa chọn giữa chất lượng hay là tiến độ. Nếu xem trọng vấn đề chất lượng thì cần phải cân nhắc thêm về việc lựa chọn nguồn vốn phù hợp.
Trong bối cảnh các dự án BOT trước đây gặp nhiều vấn đề rất lớn, cần phải cân nhắc xem nguồn vốn nào đảm bảo khả năng xây dựng đường cao tốc chất lượng. Chất lượng ở đây không chỉ là chất lượng về mặt kỹ thuật, mà còn là chất lượng về mặt thông suốt, không phải lúc nào cũng bị dừng bởi những trạm thu phí. Nếu cứ đi một đoạn lại gặp trạm thu phí thì cũng không thể là cao tốc được mà phải áp dụng thu phí không dừng. Tất cả những vấn đề trên đều cần phải cân nhắc.
Việc hủy đấu thầu quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đấu thầu cạnh tranh để thực hiện 8 dự án PPP, theo ông có khả thi?
Thứ nhất, về nguồn vốn theo tôi các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu nếu thắng thầu cần phải làm rõ nguồn vốn từ đâu, hay cuối cùng vẫn đổ về hệ thống ngân hàng. Tất nhiên sẽ có một số doanh nghiệp sẽ huy động vốn thông qua nguồn trái phiếu doanh nghiệp hoặc thị trường chứng khoán, tuy nhiên, phần lớn vẫn là thông qua ngân hàng.
Nhưng nếu chỉ dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng thì hệ thống ngân hàng sẽ bị đè nặng bởi nguồn vốn của các ngân hàng không chỉ dành cho phát triển hạ tầng mà còn cho các ưu tiên khác.
Năng lực của các nhà đầu tư trong nước cũng là một vấn đề. Hiện giờ năng lực của các nhà đầu tư Việt Nam cũng đã được cải thiện. Nhưng vấn đề quan trong nhất là công khai, minh bạch những chính sách liên quan đến đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Mà những điều này lại nằm ở chính sách chứ không phải là năng lực doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp được giao mặt bằng sạch họ có thể thực hiện rất nhanh bởi điều này không quá khó đối với năng lực của doanh nghiệp.
Theo khảo sát của ADB và nhiều tổ chức ODA thì vấn đề khó khăn nhất đối với thực hiện một dự án đó là bảo đảm giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp, hay vấn đề tái định cư, môi trường.
Còn vấn đề liên quan trực tiếp đến năng lực của doanh nghiệp chính là công nghệ thi công, năng lực quản lý, chất lượng của đội ngũ công nhân. Những vấn đề này cho đến nay một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo được.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn