Ảnh minh họa. |
Thống kê trên thị trường chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán (CTCK) Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đang là 6 công ty bao gồm Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán KIS, Chứng khoán HFT, Chứng khoán KB Việt Nam, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).
Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ đồng lên 5.455,5 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam sau khi được công ty mẹ rót thêm 1.155,5 tỷ đồng. Hiện SSI đang là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, nhưng “ngôi vị” này sẽ được thay thế khi Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tăng vốn điều lệ cho Mirae Asset trong tháng 10 này.
Ngoài Mirae Asset, trong top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự góp mặt của KIS, KBSV với vốn điều lệ lần lượt là 1.897 tỷ đồng và 1.675 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ của KBSV là kết quả của đợt tăng vốn liên tục trong giai đoạn cuối 2018, đầu 2019 sau khi mua lại Chứng khoán Maritime. |
Sự hiện diện của các CTCK vốn Hàn Quốc đã tạo ra áp lực cạnh cạnh tranh lớn đối với các CTCK nội từ chất lượng dịch vụ, số lượng chi nhánh, đặc biệt là khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).
Số liệu cuối quý II/2019 cho thấy, dư nợ cho vay margin của Mirae Asset đã lên đến 5.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay của SSI khoảng 6.300 tỷ đồng. Các CTCK Hàn Quốc khác như KIS, KBSV cũng đều có dư nợ cho vay lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, bám sát các tên tuổi trong nước như HSC, VND, MBS…
Vậy điều gì khiến dòng vốn từ xứ sở Kim Chi tìm đến Việt Nam và liên tục gia tăng trong thời gian vừa qua?
Thứ nhất có thể kể đến việc Việt Nam đang là một trong những điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới với tăng trưởng GDP khởi sắc trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% - cao nhất trong 11 năm. GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đi ngược với xu hướng chung đã và đang ám ảnh trên toàn cầu.
TTCK Việt Nam mặc dù còn trẻ, nhưng đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 78,5% GDP tính đến cuối tháng 6 năm 2019. Tính đến hết quý II/2019, mức vốn hóa thị trường đạt trên 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP.
Thứ hai, về phía Hàn Quốc, Hàn Quốc xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách hướng nam mới, Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ. Do đó, trong đầu tư, vốn của Hàn Quốc cũng đổ vào Việt Nam khá mạnh từ vốn đầu tư trực tiếp đến vốn đầu tư gián tiếp thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp hay gia tăng vốn góp vào các CTCK Việt Nam.
Thứ ba, việc đồng KRW của Hàn Quốc mất giá 8,2% so với USD có thể cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền từ Hàn Quốc tìm đến các thị trường khác trú ẩn trong đó có Việt Nam, thị trường có tính ổn định cao.
Bên cạnh đó, lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, khoảng 1,5% trong khi đó, lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều. Lãi suất gửi ngân hàng hiện xoay quanh 8%/năm, lãi suất cho vay margin tại các CTCK dao động từ 12 – 14%/năm. Đây là yếu tố góp phần khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán...
Theo BizLive