Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Lối ra nào cho “bài học đau xót” này?

Thứ năm, 03/10/2019, 15:17
Đại biểu Quốc Hội Lê Thanh Vân cho rằng, dù đưa vào khai thác nhưng chi phí vận hành lớn như vậy thì không biết bao giờ mới hoàn vốn và có lãi để trả nợ đối tác cho vay.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Chiều 2/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, khi được hỏi về việc Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới đây đã thông báo không hoàn thành tiến độ và phá sản kế hoạch, không khai thác thương mại. Tổng thầu cho rằng đã hoàn thành 100% nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không chấp thuận, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có những phản hồi.
Theo Thứ trưởng Đông, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, thực chất hiện trường thi công và lắp đặt đã xong, từ xây lắp đến thiết bị đơn lẻ từng hệ thống, đoàn tàu vẫn đang chạy, hệ thống bán vé tự động cũng đã xem xét…
"Tuy nhiên tồn tại lớn nhất là cung cấp các hồ sơ để bảo đảm an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật; sẽ có tư vấn độc lập, cụ thể ở đây là đơn vị của Pháp sẽ được sử dụng bởi họ có kinh nghiệm đánh giá", ông Đông nói.
Việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến chứng chỉ minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất liên quan đến trang thiết bị của đoàn tàu để có cơ sở đánh giá an toàn hệ thống của đoàn tàu.
"Cũng theo quy định, phải đánh giá xong chúng ta mới chạy thử và kích hoạt hệ thống bán vé tự động, hệ thống thông tin chuyên nghiệp để điều động đoàn tàu, đoàn tàu chạy liên tục theo hệ thống… trong vòng 20 ngày, sau đó mới đưa vào khai thác chính thức và phải tổ chức nghiệm thu. Nghiệm thu phải trên cơ sở hoàn thành những chứng chỉ đó", Thứ trưởng Đông cho hay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019
Yêu cầu khai thác trong năm nay
Về tồn tại với Tổng thầu, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi kiểm tra thực địa Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương đưa dự án vào khai thác trong năm nay.
Đại diện Tổng thầu Trung Quốc ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng cho hay: “Chúng tôi cam kết về mức độ an toàn của dự án. Về tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng, nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có kết luận từ phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống. Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm đưa vào sử dụng càng nhanh càng tốt bởi càng chậm trễ càng ảnh hưởng tới hình ảnh của tổng thầu”.
Lối ra nào cho dự án Cát Linh - Hà Đông?
Nhìn nhận về dự án này, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, trong xã hội đã có nhiều đề xuất rất hài hước về dự án này như: Tháo dỡ làm công trình khác hay cải tạo thành công trình phục vụ du lịch,…

"Điều này cho thấy, phải tính toán một cách thật nghiêm túc về dự án này, kể cả khi vận hành rồi nhưng với lượng người phục vụ, chi phí vận tải, bù lỗ cho chi phí đầu tư và vận hành. Như vậy, không biết bao giờ mới hoàn vốn và có lãi để trả nợ cho đối tác cho vay", ông Vân nói.

Hiệu quả của dự án này cần được phân tích, đánh giá trước hết là bài toán tài chính, sau đó là tham khảo ý kiến của nhân dân. Giải pháp, lối ra cho “bài học đau xót” này là như thế nào?, ông Vân đặt vấn đề.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn