Những con số đáng nể “2 tỷ USD, rất vui”, “3 tỷ, không thành vấn đề”, “4 tỷ, vẫn khả thi” hay “6 tỷ, có thể” mà Sheldon Adelson - Chủ tịch Las Vegas Sands đưa ra cho dự định đầu tư 2 khu phức hợp nghỉ dưỡng - giải trí ở Hà Nội và TP.HCM khiến không ít người choáng ngợp.
Không chỉ bởi đó là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất trước nay tại Việt Nam, mà còn bởi cách Adelson đặt vấn đề: không có casino sẽ không thể có khu nghỉ dưỡng, và Las Vegas Sands sẽ không đầu tư vào một nơi mà Chính phủ cấm người dân đánh bạc.
Đó không phải là một dự án “luôn và ngay”, bởi từ dự định thành hiện thực (nếu có) vẫn là một con đường dài với nhiều sự thay đổi và thách thức về hành lang pháp lý và năng lực quản lý.
Thực tế, những hoạt động vui chơi mang có tính đỏ đen, cờ bạc hợp pháp cũng đã dần được mở cửa ở Việt Nam: đua chó, đua ngựa, lô-tô… Cá độ bóng đá, một hình thức đánh bạc, cũng đã từng được nhắc đến trong nhiều đề án, dù đến nay vẫn nằm trên giấy.
Một thực tế khác, nạn cá độ bóng đá qua các mạng nước ngoài như Hồng Kông (Trung Quốc), Macau… vẫn diễn ra từng ngày, và cũng không ít đại gia Việt đã mang tiền sang Campuchia, Singapore, Macau… để tìm vui ở các casino. Điều này, một mặt tuồn ra nước ngoài một lượng tiền không nhỏ, một mặt không đóng góp cho nhà nước đồng tiền thuế nào.
Đó là một sự thất thoát không nhỏ, nếu nhìn vào sòng Marina Bay Sands (Singapore), nơi giúp số du khách quốc tế đến quốc đảo sư tử tăng 20%, và tăng lượng chi tiêu mỗi đầu du khách lên 49%. Thêm vào đó, mỗi khu phức hợp của Las Vegas Sands sẽ mở ra cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 12.000 - 14.000 người, điều mà ông chủ của Sands cho là tạo cơ hội cho người nghèo thay vì “móc túi” của họ.
Tuy nhiên, đằng sau những yếu tố bổ trợ cho chữ “nên”, T.S Vũ Đình Ánh cũng đặt ra nhiều chữ “nếu”.
“Tôi đã từng đi Macau, Singapore nơi ngành công nghiệp giải trí nói chung và casino nói riêng rất phát triển, và tôi thấy nó rất tốt, mang lại nhiều tiền. Chúng ta cũng nên làm nếu có cơ hội, nếu quản lý được hoạt động của ngành công nghiệp này”, ông Ánh nói thêm.
Có không ít lo ngại về an ninh xã hội cũng như sự len lỏi của tội phạm trong cuộc chơi được coi là nhạy cảm này. Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng các nước văn minh như Mỹ, Singapore… đều quản lý được và Việt Nam (nếu có sòng bạc) không phải sáng tạo gì về cơ chế quản lý mà chỉ việc học theo là đủ.
Tránh vết xe đổ của sân golf, trường đại học
Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, cảnh báo lớn nhất của TS Vũ Đình Ánh là đừng để việc đầu tư các phức hợp giải trí có casino trở thành trào lưu như sân golf một thời.
Mặc dù “ông trùm casino” Adelson trấn an rằng casino chỉ chiếm 2-4% tổng diện tích khu phức hợp, nhưng mô hình đó có vẻ như khá trùng khớp với các dự án sân golf biến thể thành… biệt thự, resort và đất nền đã từng bị “tuýt còi” ở nhiều tỉnh trong những năm qua.
Đến nay, mặc dù Chính phủ đã bác trên 70 dự án của các tỉnh liên quan đến sân golf, vẫn còn đó hớn 90 dự án sân golf tồn tại và điều không mấy được hoan nghênh là chỉ số ít trong 90 sân golf này hoạt động có lãi, trong khi tới 2/3 số này dùng sân golf làm “lá bùa” để kinh doanh bất động sản trên diện tích ban đầu vốn là đất lúa.
Một bài học khác, không liên quan trực tiếp tới đất, là thảm họa về số lượng trường Đại học, cao đẳng. Số lượng trường Đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay khoảng 450 trường.
Con số này không nói lên nhiều điều nếu không biết rằng điểm đầu vào của nhiều trường là 6 hoặc 7 điểm cho 3 môn thi. Cũng như kinh doanh bất động sản, mảng kinh doanh giáo dục đã từng được coi là siêu lợi nhuận, đến mức khối tư nhân và các tỉnh lẻ cũng đua nhau dựng trường đại học và kéo chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam xuống mức dưới báo động.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã quyết định tạm dừng thành lập mới các trường ĐH, CĐ để rà soát lại chất lượng đào tạo, nâng cấp các trường này, nhưng dường như sự trả giá cho những cử nhân thất nghiệp và tình trạng thừa người có bằng, thiếu người làm được việc cũng là quá đủ. Đã có người dùng cụm từ “một nhà máy đường, một trường đại học” để ví von cho cuộc đua mở trường mà các địa phương mở ra, như một thời đã đồng loạt mở ra các nhà máy đường để rồi đóng cửa và để nông dân giãy giụa trên đồng mía.
Casino là một mô hình hào nhoáng, hứa hẹn và có nhu cầu thật. Ngược lại, nó cũng nhạy cảm, rủi ro, đầy thách thức với năng lực quản lý hiện tại ở Việt Nam.
Những bài học từ trào lưu sân golf hay trường đại học có lẽ không thừa trên bàn cân của nhà quản lý trong các quyết định.
Theo Dân Trí