Đây là một trong những nội dung quan trọng của đề án tái cấu trúc TTCK nhằm “xốc lại” thị trường được UBCK đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2012, ngày 2/3 tại Hà Nội.
Các CTCK sẽ được chia thành 3 nhóm dựa trên quy mô vốn, rủi ro....
Năm 2011 có 65 CTCK thua lỗ và 71 CTCK có lỗ lũy kế, thanh khoản của các CTCK sụt giảm mạnh. Đối với công ty quản lý quỹ, có 24 công ty lỗ với lỗ lũy kế là 80,7 tỷ đồng, nhưng tổng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 59 tỷ đồng. Trong số đó, 28 công ty bị đưa vào diện cảnh báo, 14 công ty trong diện bị kiểm soát, 03 công ty bị tạm ngừng giao dịch, 4 công ty bị cảnh cáo do vi phạm quy định về công bố thông tin".
Giải pháp nhằm “thay máu” lại các CTCK trước sự phát triển ồ ạt của số các công ty này thời gian qua được cơ quan quản lý đưa ra trong “đề án” tái cấu trúc lại các CTCK. Theo đó, các CTCK sẽ được phân loại thành theo mức độ rủi ro giảm dần dựa trên hai chỉ tiêu: vốn khả dụng/tổng rủi ro (bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, và rủi ro hoạt động) và tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ. Căn cứ vào tiêu chí này các CTCK sẽ được chia thành ba nhóm:
Nhóm 1 – nhóm bình thường, bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% vốn điều lệ. Tiếp tục củng cố hoạt động nhằm nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, chất lượng hoạt động.
Nhóm 2- nhóm kiểm soát, gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% vốn điều lệ. Số công ty này được đặt vào tình trạng kiểm soát và áp dụng các biện pháp khắc phục như tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại danh mục đầu tư, các khoản vay nợ; giảm chi phí hoạt động; thực hiện hợp nhất, sáp nhập theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, nhóm kiểm soát đặc biệt sẽ là những CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ. Ngoài các biện pháp áp dụng với nhóm 2, một loạt biện pháp cứng rắn khác sẽ được áp dụng cho số này: yêu cầu soát xét về tình hình tài chính, đầu tư, công nợ; rút bớt nghiệp vụ môi giới đối với CTCK để thu hẹp phạm vi hoạt động nhằm bảo vệ khách hàng; giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật nếu không khắc phục được.
Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh CK Việt Nam, ông Lê Văn Châu nhận xét, cấu trúc lại các CTCK là việc cần làm ngay, nhưng không phải là việc cơ cấu lại theo cách cơ học, nhập một vài công ty yếu, nhỏ thành “anh lớn hơn”. “CTCK nào yếu không đủ khả năng thì phải kiên quyết loại bỏ khỏi thị trường. Cũng không nên quy định thị trường buộc phải có số lượng bao nhiêu CTCK, 20 hay 30 công ty, mà cốt yếu vẫn là chất lượng các công ty này” – ông Châu đề xuất.
“UBCK đã trực tiếp làm việc với các CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt, từ 1/4 tới sẽ bắt đầu “gút” lại số lượng các CTCK. Nhưng cấu trúc lại CTCK không chỉ về mặt tài chính, mà còn có yếu tố quản trị DN và kiểm soát rủi ro. Vì thế, mục tiêu hướng tới là giảm số lượng, tăng chất. Động thái này sẽ giúp TTCK thanh lọc, lành mạnh hơn”, ông Vũ Bằng nói thêm.
"Số lượng CTCK bùng nổ nhanh khiến sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều CTCK đã khó sống sót qua "sóng gió“ và đành đóng cửa. Đây là điều thị trường không mong muốn, nhưng là quy luật đào thải buộc phải chấp nhận“- ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCK Nhà nước thừa nhận.
Năm 2011, chỉ số CK sụt giảm mạnh, khoảng 27% so với cuối năm 2010, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên chỉ đạt 1.032 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2010. Mức vốn hóa đạt khoảng 602.000 tỷ đồng, giảm 124.000 tỷ đồng so với cuối năm 2010.
Thanh khoản TTCK giảm sút khiến khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như huy động vốn trên TTCK của các DN rất hạn chế. Ước tính, có khoảng 16% công ty niêm yết bị lỗ; khoảng 60% công ty có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước; 80% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách; 59% công ty có thị giá thấp hơn mệnh giá và 49% công ty có hệ số thị giá so lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu (P/E) thấp hơn 5.
Nhìn nhận về tương lai của TTCK Việt Nam, Chủ tịch UBCK Nhà nước Vũ Bằng cho rằng, vấn đề tín dụng và lãi suất ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư. Do đó, các giải pháp "vực dậy“ TTCK sẽ tập trung vào các nhóm yếu tố này.
Theo InfoNet