Không nhiều biến động
Với quyết định giảm trần lãi suất huy động VND tại các NHTM xuống còn 13%, ngày 13.3 chứng kiến việc các NHTM đồng loạt niêm yết biểu lãi suất huy động mới với thay đổi lớn nhất là việc xóa bỏ mức lãi suất cao nhất 14%/năm trước đây. Thay vào đó, diễn biến đáng chú ý nhất là việc một số nhà băng kéo lãi suất cao nhất xuống dưới con số tối đa 13% theo quy định của NHNN và áp dụng lãi suất thấp hơn cho các kỳ hạn dài hàng năm.
Như tại Eximbank, lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 12,85%/năm và áp dụng cho các kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng. Ở các kỳ hạn dài từ 7 tháng đến 13 tháng, lãi suất được kéo xuống còn 12,5% và xuống còn 12% ở kỳ hạn trên 13 tháng. Tượng tự tại ACB, ngoài hai kỳ hạn 12 và 13 tháng được hưởng lãi suất 13%, khách hàng gửi kỳ hạn 1 tháng đến 9 tháng nhận được lãi suất 12,88% và giảm xuống còn 11,4% và 10,9% đối với các kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Một số NH lớn thuộc nhóm dẫn đầu cũng không nằm ngoài xu hướng này. Biểu lãi suất niêm yết của Vietinbank theo đó cũng được phân loại thành các nhóm khác nhau với chiều hướng giảm dần lãi suất cho các kỳ hạn dài. Lần lượt lãi suất cao nhất 13% tại ngân hàng được áp dụng cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng và giảm còn 10% đối với các kỳ hạn từ trên 12 tháng đến dưới 24 tháng. Riêng với các kỳ hạn trên 24 tháng đến 36 tháng, lãi suất huy động chỉ còn 9,5% và giảm xuống tiếp còn 9%/năm đối với các kỳ hạn trên 36 tháng. Một số NHTM có quy mô nhỏ hơn cũng giữ xu hướng này như SeABank giảm lãi suất các kỳ hạn 15-24 tháng xuống còn 11% và DongABank chỉ áp dụng lãi suất 12%/năm cho các kỳ hạn 18-36 tháng. Xu hướng lãi suất huy động tiếp tục giảm hay trần lãi suất huy động còn có thể được NHNN điều chỉnh thêm trong nay mai có thể là lý do khiến nhiều NHTM áp dụng mức lãi suất thấp hơn nhiều so với các kỳ hạn ngắn.
Khác với xu hướng này, rất nhiều NHTM bao gồm quy mô thuộc nhóm dẫn đầu hay chỉ ở quy mô nhỏ lại thực hiện việc điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng áp dụng một mức lãi suất duy nhất 13% cho hàng chục kỳ hạn. Cả BIDV, Vietcombank hay TienPhongBank và GPBank đều giữ lãi suất duy nhất cho các kỳ hạn huy động từ 1 đến 36 và 60 tháng. Một số ngân hàng có thể đang cần thêm chút ít thời gian để đưa ra một biểu lãi suất huy động phù hợp với tình hình của NH.
Vẫn còn lo ngại
Lãi suất huy động và nhiều mức lãi suất ở các kênh vốn có tác động hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng giảm đến 1% sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn. Việc hạ trần lãi suất huy động xuống còn 13% cũng được cho có thể không ảnh hưởng nhiều đến lượng tiền huy động trong hệ thống, do thanh khoản của phần lớn ngân hàng đang tốt trong điều kiện lạm phát đang có chiều hướng giảm dần và tỉ giả VND/USD ổn định. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng tiến hành huy động dưới mức lãi suất trần 14% cho phép. Song từ đây, lãi suất cho vay có thực sự giảm hay không lại cần thêm nhiều thời gian để kiểm chứng. Chuyên gia tài chính Marc Djandji – Giám đốc nghiên cứu của VCSC cho rằng, mặc dù NHNN tin rằng kỳ vọng lạm phát đã được kiểm soát và do đó có cơ sở thích hợp để giảm lãi suất huy động, nhưng “chúng tôi cho rằng cung cầu thị trường mới là yếu tố xác định rõ nhất yêu cầu của người gửi tiền”.
Nhìn nhận về các mức lãi suất chủ chốt giảm xuống 1%, một số tổ chức đầu tư đánh giá đây là bước đi khởi đầu thể hiện quan điểm nhất quán của NHNN trong mục tiêu giảm lãi suất huy động, từ đó giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2012. Song vẫn có quan điểm rằng lãi suất chỉ có thể giảm sớm nhất trong vòng 1-3 tháng tháng tới do CPI theo tháng có thể tăng tốc bởi áp lực giá xăng dầu tăng. Bởi theo tính toán của tổ điều hành xăng dầu liên bộ Tài chính - Công Thương, việc điều chỉnh giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít (~10%) sẽ khiến lạm phát trong cả năm 2012 tăng 0,85%. Trong đó, tác động trực tiếp tại vòng 1 là 0,24% và tác động gián tiếp vòng 2 đến các ngành sử dụng xăng dầu khác là 0,61%. Như vậy, CPI tháng 3 và tháng 4 nhiều khả năng sẽ tăng trở lại do tác động của việc tăng giá xăng.
Theo Lao động