Lãi suất hạ: Dịch vụ soán ngôi tín dụng

Thứ tư, 14/03/2012, 13:00
Hàng loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động về dưới trần 13%. Đây cũng là thời điểm nhiều ngân hàng khởi động cho cuộc đua dịch vụ trong thời gian tới thay vì chờ đợi doanh thu khủng từ hoạt động tín dụng.



 

Thêm nguồn vốn ưu đãi

Dù chưa thể giảm lãi suất cho vay một cách đồng bộ nhưng đồng hành với việc giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã tìm cách đưa ra các ưu đãi, hạ lãi suất theo nhóm cho nhiều đối tượng khách hàng.

Theo Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Tổng giám đốc OceanBank, trước dự báo lãi suất sẽ giảm, OceanBank đã sớm áp dụng các chương trình ưu đãi, như chương trình cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân... hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp... với lãi suất thấp hơn 2-3%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường tại OceanBank. Ngân hàng vừa quyết định dành một gói tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ đồng với lãi suất cho vay khoảng 17%/năm cho một doanh nghiệp ở phía nam.

Các gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cũng được các ngân hàng tung ra làm tiền đề cho đợt giảm lãi suất huy động lần này. Tại ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mức lãi suất cho vay được giảm 2%/năm. Ngoài ra VPBank còn đưa ra một gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất cho vay đặc biệt, thấp hơn 3% so với các khoản vay thông thường cho các khách hàng thuộc đối tượng ưu đãi với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng.

TienPhong Bank cũng đã công bố gói tín dụng với lãi suất ưu đãi 15-18% trị giá 1000 tỷ đồng dành cho nhóm khách hàng đầu tư, sản xuất máy móc, hàng công nghệ, nghiên cứu công nghệ cao và kinh doanh xuất khẩu.

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) triển khai chương trình áp dụng thấp hơn trung bình 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường đối với các doanh nghiệp thực phẩm & đồ uống. Theo đó, VIB sẽ dành nguồn vốn 2,000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp của hai ngành này.

Trong khi đó, HSBC chính thức giảm lãi suất các khoản vay dành cho các khách hàng cá nhân tại Việt Nam bao gồm: vay mua nhà để ở, vay thế chấp, và vay mua xe. Từ 12/3 áp dụng mức lãi suất ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng lần đầu vay thế chấp với ngân hàng: 15,9% và mức lãi suất dài hạn tốt nhất dành cho khách hàng vay thế chấp là 18,9%. Lãi suất cho vay dài hạn dành cho tất cả các khách hàng cá nhân đã được giảm 2% trong vòng vài tuần vừa qua.

Nói về thực tế này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng Hiện các ngân hàng lớn, nhỏ đồng loạt có các chương trình giảm ls cho vay. Nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng chủ yếu phục vụ  cho các nhóm ưu tiên với các mức lãi suất chúng tôi cho là thấp từ 13 - 16%. Với diễn biến vĩ mô hiện nay, thì khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới là rất thực tế.

Dịch vụ lên ngôi

Ở hầu hết các ngân hàng, khi thế mạnh lãi suất và đứa con cưng "tín dụng" đang dần lép vế trong bối cảnh hiện tại nhường chỗ cho sự vươn lên của hoạt động dịch vụ. Cuộc chạy đua về dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới có thể sẽ bùng nổ.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay: "Vấn đề lúc này chính là ở chỗ các ngân hàng cần khởi động kỹ để  tham gia vào cuộc đua  về chất lượng và dịch vụ hiện đại. Với mức trần lãi suất như hiện tại việc đầu tư vào dịch vụ một cách nghiêm túc, chất lượng  đảm bảo sẽ là yếu tố quyết định đểt thu hút và giữ chân khách hàng."

Trước đây, đầu tư vào hoạt động dịch vụ được xem là một gánh nặng vì tỷ suất lợi nhuận so với hoạt động tín dụng là rất thấp, chênh lệch "một trời, một vực" trong khi đó chi phí lại cao. Tuy vậy, ở bối cảnh hiện tại, tín dụng của các ngân hàng như đang bị bóp nghẹt bởi trần lãi suất cùng với việc hạn chế tăng trưởng tín dụng, đây sẽ là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh dịch vụ. Rõ ràng, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 15 - 17%, thậm chí là 0% của các ngân hàng nhóm dưới thì việc trông chờ lợi nhuận từ tín dụng khoảng 70% như trước cũng không dễ được đảm bảo. Vì thế, đây được xem là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động dịch vụ nhằm cân đối nguồn thu.

 

 

Lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á cho hay: "Trong hai tháng đầu năm, Ngân hàng Đông Á chỉ mới tăng trưởng tín dụng được khoảng 2%. Nếu tính bình quân mỗi tháng 1% thì đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ không quá 12%. Cho nên việc đẩy mạnh dịch vụ để tăng doanh thu là cách mà nhiều ngân hàng đang lựa chọn".

Ngoài rào cản trần huy động và chỉ tiêu tăng trưởng, hiện tín dụng đang ẩn chứa nhiều rủi ro. Một số ngân hàng lớn vẫn phải đối diện với tỉ lệ nợ xấu cao, trong khi đó, các doanh nghiệp cũng hạn chế đi vay. Có thể dự đoán, lợi nhuận từ tín dụng của ngân hàng sẽ giảm trong năm 2012.

Dịch vụ luôn là thế mạnh của những ngân hàng có mạng lưới giao dịch tương đối rộng và độ nhận biết thương hiệu tương đối dễ dàng. Mặc dù đang ở trong hoàn cảnh rối rắm nhưng mới đây Sacombank cũng tung ra một dịch vụ thanh toán mới là "Ủy thác thanh toán" nhằm thu hút khách hàng. Đây là kênh thanh toán tự động các hóa đơn tiêu dùng định kỳ qua ngân hàng an toàn và tiện lợi giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian đi lại.

Trước đây việc tập trung vào mảng dịch vụ thường xuất hiện nhiều ở các ngân hàng thương mại bán lẻ nhưng hiện tại các ông lớn như Vietcombank hay BIDV cũng đang bắt đầu đẩy mạnh hoạt động này. Xu hướng sẽ là mỗi ngân hàng nhắm vào một thế mạnh nhất định như kiều hối, xuất nhập khẩu, dịch vụ thẻ hoặc liên kết với các đối tác khác.

Mới đây,  Ngân hàng An Bình (ABBANK) cũng đã phát triển dịch vụ tiết kiệm "Tiền gửi Online". Cụ thể, chỉ với một chiếc máy tính có kết nối internet, và Tài khoản tiền gửi thanh toán (TK TGTT), khách hàng có thể dễ dàng mở mới hoặc thực hiện các giao dịch của Tài khoản Tiền gửi Online tại mọi thời điểm và trong thời gian nhanh nhất.

Ở các nước phát triển, nguồn thu từ dịch vụ chiếm 60-70% lợi nhuận của ngân hàng, trong khi ở Việt Nam chiếm 70% là mảng tín dụng. Tuy nhiên, hiện tại khi các mảng kinh doanh truyền thống của ngân hàng như huy động và cho vay bị thu hẹp lại thì các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh mảng dịch vụ để bù đắp thâm hụt trong hoạt động tín dụng. Đây cũng là cơ sở cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt về dịch vụ trong hệ thống ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, để cạnh tranh, các ngân hàng sẽ phát triển các sản phẩm ngân hàng hiện đại, tạo bước đột phá về Ngân hàng điện tử, trong đó có hình thức gửi tiết kiệm bằng tin nhắn nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật.

Theo VEF

Các tin cũ hơn