Cho đến thời điểm này, không quá khó để hình dung ra kịch bản CTCP Thuỷ sản Bình An rơi vào tình trạng phá sản, phải bán đổ bán tháo tài sản, khi các chủ nợ đã công khai nói về việc định giá nhà máy, còn công nhân thì nghỉ việc và đối tác quay lưng.
Không thể biện minh cho hành động khất lần cả trăm tỷ đồng tiền mua cá của nông dân, nhưng đó dường như là sai phạm duy nhất của Bình An được công khai cho đến lúc này. Còn mức độ thông tin dày đặc, chi tiết về “vụ việc” lại mang đến cảm giác công ty này đang bị “đánh hội đồng”. Khi từng chân tơ, kẽ tóc trong đời sống, sinh hoạt của người trong cuộc bị lộ sáng bởi hàng trăm cặp mắt có “nghiệp vụ”, thậm chí bà chủ công ty đi chữa bệnh cũng bị đặt câu hỏi, “có ung thư hay không”... thì đương nhiên, không thể trách được việc các bạn hàng rời xa và chủ nợ sấn tới.
Khoan hãy nói đến chuyện nhiều khoản nợ của công ty này còn chưa đến hạn trả hay khối tài sản chưa được định giá một cách kỹ càng, những hệ lụy của luồng thông tin dồn dập đã khiến khả năng mất việc của (ít nhất là) 2.000 người lao động Bình An không còn là nguy cơ.
Với tốc độ lan truyền thông tin như ngày nay, chúng ta không thể hy vọng rằng, tất cả mọi người đều nắm bắt hết những điều đang diễn ra nằm ngoài phạm vi "ngưỡng tiếp nhận thông tin" của họ. Thế nên, cũng dễ hiểu khi Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức đã “sốc” khi phải đối mặt với hàng loạt cuộc điện thoại chất vấn của cổ đông, đối tác và NĐT..., sau khi bị Tổng cục Thuế công bố trước báo giới thông tin tập đoàn này chây ì 167 tỷ đồng tiền thuế.
Ông chủ tịch Tập đoàn "sốc" đến mức định cách chức tất cả các cán bộ liên quan, nhưng thị trường còn “sốc” hơn khi chứng kiến tình trạng “nghẽn mạch thông tin” trong cùng ngành dọc quản lý. Khi đại diện Tổng cục Thuế và cấp cao hơn khẳng định, HAGL chậm nộp thuế; thì ở cấp quản lý trực tiếp, bà Phó cục trưởng Cục thuế Gia Lai lại cho rằng, Cục đã có văn bản chấp thuận gia hạn thời gian nộp thuế của tập đoàn này. HAGL không hề chây ì như một số thông tin của dư luận thời gian qua.
Lời than thở ngao ngán của ông Đức, “những phát ngôn kiểu này có thể giết chết DN. Không chỉ DN chết, hàng vạn người lao động bị mất việc, mà còn tiêu diệt cả nguồn thu của ngân sách” không chỉ đúng với trường hợp HAGL. Trước đó, chúng ta đã từng chứng kiến những kiểu “bạo hành” thông tin còn ghê gớm hơn. Từ chuyện “ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ”, đến “bồn nước inox Toàn Mỹ có nguy cơ gây bệnh ung thư”...…Hay gần nhất là trường hợp của Habubank ngày hôm qua ra thông cáo báo chí khẳng định thông tin về vụ sáp nhập với SHB là “không chính xác và không có cơ sở, làm nhiễu thông tin trên TTCK”. Trong khi đó, vụ sáp nhập đã được thông tin dồn dập, chi tiết đến tỷ lệ hoán đổi cổ phần. Và thị trường lại thêm một lần “sốc” và hoang mang!
Khi cỗ xe kinh tế nói chung và hoạt động của các DN nói riêng bước vào những khúc quanh trắc trở, sự minh bạch về thông tin là rất cần thiết. Nhưng cũng trong giai đoạn này, sẽ là quá dễ để nói về những khúc mắc, khó khăn. Trong hoạt động kinh doanh, hầu hết DN đều gặp phải những lúc rối loạn, không kiểm soát được tình hình, mà thuật ngữ kinh tế gọi là khủng hoảng. Điều này có thể xuất phát từ những yếu tố khách quan như thiên tai, sự thay đổi về chính sách..., hoặc xuất phát từ nội bộ. Nếu gặp thêm những thông tin thuộc dạng “đúng nhưng chưa đủ” thì hệ lụy của nó không chỉ là cái áo vắt thêm lên lưng con la đang chở nặng, DN có thể đi từ chỗ khủng hoảng tới... thân bại danh liệt.
Theo ĐTCK