TPHCM kiến nghị miễn giảm thuế cho DN

Thứ tư, 11/04/2012, 07:40
Sức mua tại thị trường nội địa cũng chẳng khả quan bởi người dân tiết kiệm, ít mua sắm quần áo hơn. Hiện có nhiều doanh nghiệp dệt may vừa hoặc nhỏ đã đóng cửa.

TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ cần có chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2012, đặc biệt là doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết qua trao đổi với PV ngày 10-4.
 

So với cùng kỳ 2011, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may trong quí 1-2012 bị giảm 15-20%


Ngoài chính sách miễn, giảm thuế, theo Sở Công Thương, để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, thành phố cần có một nguồn vốn để các doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất - kinh doanh. Nguồn vốn này phải có lãi suất thấp hơn lãi suất các ngân hàng thương mại.

Phát biểu tại hội nghị tình hình kinh tế TPHCM quí 1-2012 tuần trước, ông Lai cho rằng trong quí 2 tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá các mặt hàng ảnh hưởng đến chi phí đầu vào như xăng dầu đã tăng trước đây sẽ tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, trong khi đó không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp.

Theo ông Lai, so với tháng 2, dấu hiệu lo ngại trong tháng 3 là các mặt hàng cần nhập khẩu gồm nguyên vật liệu cho sản xuất lại giảm mạnh. Trong đó, máy móc thiết bị giảm 2%, sắt thép giảm 12,7%, vải các loại cho sản xuất giảm 16,4%, nguyên vật liệu dệt may da giày giảm 19,2%, nguyên liệu các loại giảm đến 29,1%, giấy các loại giảm 7,3% …

Số liệu nhập khẩu nguyên vật liệu giảm cho thấy các doanh nghiệp đang bị tác động rất nhiều, từ việc khó vay vốn ngân hàng, tiêu thụ gặp khó khăn, hàng tồn kho nhiều nên doanh nghiệp phải giảm nhập nguyên vật liệu.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết khó khăn nhất của ngành dệt may hiện nay chính là thị trường xuất khẩu, trong quí 1 đã giảm 15-20% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu giảm kéo theo giá xuất khẩu và quy mô đơn hàng cũng giảm. Trong khi đó, theo ông Hồng thì sức mua tại thị trường nội địa cũng chẳng khả quan bởi người dân tiết kiệm, ít mua sắm quần áo hơn. Hiện có nhiều doanh nghiệp dệt may vừa hoặc nhỏ đã đóng cửa.

Theo ông Hồng, nếu như các năm trước ngành dệt may luôn trong tình trạng thiếu công nhân thì năm nay lại khác, nhiều công nhân ngành dệt may đang phải chạy ngược xuôi để tìm việc làm, nhất là các khu vực Bình Dương và TPHCM.
 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn