28 ngày, 2 lần hạ lãi suất

Thứ tư, 11/04/2012, 10:17
Người đi gửi tiết kiệm chịu thiệt thòi, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay giá rẻ còn các ngân hàng vẫn báo lãi nhiều nghìn tỷ đồng!

Tin liên quan
>>Giới quan sát bất ngờ trước quyết định hạ lãi suất của Việt Nam
>>NHNN đột ngột hạ trần lãi suất và giảm 1% các lãi suất chủ chốt



Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay giá rẻ


Sau quyết định đột ngột của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc đã được đặt ra mà chủ yếu xoay quanh việc liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quá vội vã khi liên tục hạ lãi suất hay không? 

Bên cạnh đó là câu hỏi: “Ai” là người được lợi từ chính sách hạ lãi suất của NHNN khi người đi gửi tiết kiệm bị thiệt thòi còn doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp?
 

2 lần hạ lãi suất trong 28 ngày
 
Đầu tháng 3, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kì, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ từng bước thực hiện lộ trình giảm lãi suất bằng cam kết “mỗi quý, sẽ giảm lãi suất 1 điểm %”. Tuy nhiên, việc NHNN tháo liền 2 “nút thắt” trong vòng chưa đầy 1 tháng không khỏi khiến thị trường bất ngờ. 
 
Ngày 13/3, trần lãi suất huy động được NHNN đưa về mức 13%/năm, giảm 1 điểm % từ mức 14% được áp dụng suốt gần 6 tháng trước đó (từ 1/10/2011). 
 
Đến ngày 11/4, mức trần này tiếp tục được điều chỉnh giảm với biên độ tương tự, xuống còn 12%/năm. 
 
Đi cùng với quyết định hạ trần lãi suất huy động là việc các lãi suất điều hành cũng được giảm tương ứng. 
 
Về lý thuyết, động thái này được coi là tin mừng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế thì một tháng sau quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2012 của Thống đốc NHNN, nhiều doanh nghiệp vẫn nhăn mặt kêu khó tiếp cận vốn với chi phí rẻ hơn trong khi người dân gửi tiết kiệm buộc phải chấp nhận mức lãi tiền gửi thấp hơn. 
 

Hơn nữa, trong bối cảnh lạm phát Việt Nam vẫn còn ở mức cao và tình hình kinh tế cả trong lẫn ngoài nước tiếp tục diễn biến phức tạp thì câu hỏi đặt ra là NHNN có quá vội vã “cởi trói” tín dụng?
 

Ngân hàng Nhà nước vội vã?
 
Quyết định trên chắc chắn đã được NHNN bàn thảo và thống nhất với Chính phủ, dựa trên tình hình thực tiễn và mục tiêu chính sách điều hành trước khi được công bố. 
 
Tuy nhiên, người dân khó có thể không băn khoăn về quyết định này. 
 
Mặc dù tốc độ lạm phát của Việt Nam đã được kiềm chế và liên tục giảm trong những tháng vừa qua nhưng tiếp tục đứng ở mức cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, có tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến đời sống của người dân và rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như xăng dầu, điện, khí đốt... đều liên tục đòi tăng giá theo diễn biến giá thế giới. 
 
Thực tế, việc hạ lãi suất không trực tiếp làm tăng lạm phát vì trong chính sách tiền tệ, yếu tố làm tăng lạm phát là cung tiền mà lượng tiền cung ứng ra thị trường không được NHNN nới lỏng. Tuy nhiên, việc NHNN tuyên bố giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ kích thích lạm phát kỳ vọng tăng cao.
 
Việc trần lãi suất huy động liên tục giảm, còn tối đa 12% trong trần lãi suất cho vay lại đang được thả nổi cũng là một bất cập lớn vì sẽ khiến khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục bị kéo giãn. 
 
Hiện tại, mức lãi suất cho vay thuộc diện ưu đãi đối với các lĩnh vực khuyến khích của các ngân hàng dao động trong khoảng 16-18%, nghĩa là tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng tối thiểu là 30-50%. Còn đối với các lĩnh vực không khuyến khích, mức lãi suất đi vay của các doanh nghiệp có thể lên tới 19-20%/năm, thậm chí cao hơn. 
 
Như vậy, trần lãi suất huy động giảm khiến người đi gửi tiết kiệm bị thiệt thòi. Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao nên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn báo lãi khủng nhiều nghìn tỷ đồng mỗi quý!


Theo DVT

Các tin cũ hơn