Tin liên quan
>>Bianfishco chưa trả tiền bảo hiểm cho công nhân
>>Bianfishco tiếp tục cho công nhân "leo cây"
>>Công nhân Bianfishco vẫn chưa trở lại làm việc
>>Vụ Bình An: Ưu tiên giải quyết quyền lợi công nhân
Sáng 5-4, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì cuộc họp thường kỳ quý I với báo chí. Có đến 27 câu hỏi liên quan đến vụ nợ nần của Công ty CP Thủy sản Bình An.
Ông Võ Thanh Hùng - Trưởng ban Quản lý Các KCX và CN Cần Thơ thay mặt tổ công tác của TP cho biết Công ty Bình An hoạt động rộng, có nhiều chi nhánh, dự án ở các địa phương. Tổ công tác chưa nắm hết thông tin nên chưa thể cung cấp đầy đủ.
Theo ông Hùng, tổng số nợ của Công ty Bình An theo thống kê chính thức là 1.541 tỉ đồng, trong đó nợ 10 ngân hàng là 1.277 tỉ đồng, nợ 44 hộ dân nuôi cá 261 tỉ đồng (đã trả được 16 tỉ đồng) và nợ BHXH 3 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty đang nợ 10 công ty, đơn vị và cá nhân khác với tổng số tiền trên 27,7 tỉ đồng. Con số thống kê nói trên không bao gồm nợ của Công ty TNHH XD-TM Diệu Hiền và nợ của cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền.
Buổi họp báo thường kỳ chưa giải đáp cụ thể vụ nợ của Bình An nên TP Cần Thơ hẹn sẽ họp báo riêng để trao đổi thêm với báo chí. |
Còn theo kết quả kiểm toán độc lập năm 2010, tổng tài sản của Công ty Bình An tính đến thời điểm 31-12-2010 là hơn 2.075 tỉ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 1.183 tỉ đồng, tài sản dài hạn 891 tỉ đồng. Trong báo cáo kiểm toán này cũng thể hiện nợ ngắn hạn trên 1.221 tỉ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn trên 1.000 tỉ đồng.
Ông Hùng cho biết Công ty Bình An từ năm 2007 đến tháng 4-2011 hoạt động kinh doanh ổn định, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu 42,8 triệu USD. Đến giữa năm 2011, DN này bắt đầu khó khăn về tài chính do nguồn tín dụng bị hạn chế, ngân hàng rút vốn. Mặt khác, công ty đầu tư sai mục đích, vay vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, đầu tư ngoài ngành dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết TP sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, giải pháp đối với Bình An nhưng DN không mấy hợp tác. Trước tết nghe DN có kiến nghị với trung ương hỗ trợ vay 300 tỉ đồng, đã chỉ đạo mời lại hỏi để giúp nhưng không đến. “Công ty hợp tác không tốt, có lúc trực tiếp nghe ông Trần Văn Trí trả lời nhưng sau đó lại khác đi” - ông Sơn bày tỏ.
Về việc hơn 2.400 công nhân của Bình An sẽ tiếp tục không có việc, cơ quan chức năng của Cần Thơ cho biết trong ngày 5-4 đã có ít nhất ba DN trong và ngoài TP ngỏ lời. Họ cho biết đang có nhu cầu khoảng 2.000 công nhân và nếu cần họ sẽ nhận công nhân của Bình An.
Theo ông Võ Thanh Hùng, muốn “cứu” Bình An thì phải định “bệnh”, phải có bảng cân đối tài chính, kết quả kiểm toán để xem xét cân đối nợ và tính toán tái cấu trúc. TP đã yêu cầu công ty hoàn tất báo cáo tài chính năm 2011 và kết quả kiểm toán độc lập và thực hiện đầy đủ các thủ tục về ủy quyền quản lý, điều hành công ty nếu bà Phạm Thị Diệu Hiền chưa về Việt Nam. “Công ty phải có biện pháp khẩn trương thanh toán nợ cho nông dân, bảo hiểm xã hội và nợ lương công nhân nếu có, sau đó bàn bạc với các ngân hàng để có hướng tái cấu trúc” - ông Hùng nói.
Chính quyền không thể can thiệp mạnh Khi được hỏi liệu TP có “can thiệp mạnh” vào Công ty Bình An, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết”: Trong điều kiện hiện nay chưa đủ điều kiện để kê biên, niêm phong. Không thể làm theo cảm tính mà phải theo quy định của pháp luật. Chính quyền không thể bắt DN bán tài sản để trả tiền cho nông dân mà chỉ có thể động viên họ làm điều đó. Về việc phá sản DN thì chủ DN phải có đơn yêu cầu và tòa án ra quyết định chứ ủy ban không can thiệp được, phải thực hiện theo luật. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, cho biết sẽ tổ chức họp báo riêng về tình hình Bình An, mời đại diện công ty dự để cùng trả lời các vấn đề báo chí quan tâm. |
Theo Pháp Luật TP