Các ngân hàng sẽ công bố tin nhạy cảm nào ?

Thứ năm, 05/04/2012, 13:07
Những thông tin có tính nhạy cảm như nợ xấu, sáp nhập,... được Ngân hàng Nhà nước công khai công bố từ đầu tháng 4/2012 . Nhiều lo ngại rằng, tính minh bạch là tốt nhưng thông tin phụ thuộc vào mỗi hoạt động của từng ngân hàng. "Tốt khoe, xấu che", thị trường đang chờ, liệu lần này các ngân hàng sẽ "che, khoe" những gì ?


Nợ xấu đang là vấn đề của nhiều ngân hàng trong giao đoạn này
.
 

Thông tư 35/2011/NHNN, hướng dẫn công bố và cung cấp thông tin chính thức có hiệu lực từ 01/04/2012, trong đó hơn 40 đầu mục thông tin và dữ liệu của NHNN sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng .

Đáng chú ý là những thông tin lâu nay chỉ được biết trong phạm vi hẹp cũng sẽ được loan báo, như thành lập, mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, xử lý vi phạm...hay những thông tin về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng Việt Nam .

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, đây là một bước tiến quan trọng và cần thiết nhằm tăng tính minh bạch, củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư vào hệ thống của ngân hàng . Theo TS . Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, đây là động thái quan trọng nhằm minh bạch hóa và làm yên lòng khách hàng, những đối tác liên quan tới ngân hàng và những cổ đông của ngân hàng .

Tuy nhiên cũng có người bày tỏ lo ngại, "Tốt khoe, xấu che" - ngân hàng có vấn đề liệu có dám công khai ?

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, nội dung của Thông tư trên thực ra không phải là mới, bởi đây là điều mà lâu nay ngành ngân hàng đã muốn làm từ lâu . "Vừa qua NHNN có nói đến tháng 4 sẽ công bố những thông tư về các ngân hàng này, những ngân hàng có những vấn đề yếu kém mà lâu nay dư luận có ý kiến" - Vị lãnh đạo ngân hàng nói.

Như vậy trong tháng 4 này, những ngân hàng hoạt động yếu kém mà lâu nay NHNN vẫn "úp mở" sẽ chính thức được công khai danh tính.

Những động thái tích cực nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường tài chính của NHNN, tuy được đánh giá cao nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, tất nhiên không phải thông tin nào cũng được các ngân hàng nhiệt tình ủng hộ công bố.

Tỷ lệ nợ xấu, cơ cấu nợ xấu lâu nay ít người được biết . Nếu được công khai thì rõ ràng sẽ giúp người gửi tiền, nhà đầu tư, các cổ đông yên tâm hơn . Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, riêng nợ xấu trong bất động sản, chứng khoán của nhiều ngân hàng đang là vấn đề cực kỳ nhạy cảm . Điều lo ngại là nếu phải công bố sẽ có chuyện thông tin bất lợi sẽ không hẳn được "bày" ra hết .

Cũng theo lời lãnh đạo một ngân hàng, "nếu phải công bố thông tin, thì cái gì lợi cho ngân hàng đó thì ủng hộ, những cái gì không có lợi thì họ (ngân hàng đó) sẽ không ủng hộ, vì luật pháp thì họ phải theo thôi . Không có lợi chắc chắn các ngân hàng sẽ có phản ứng, phản ứng theo nhiều cách, có thể không nói ra nhưng dễ "lèo lái"  thông tin để vừa có lợi cho mình, vừa ủng hộ, tuân thủ pháp luật . Nhất là những ngân hàng có cơ cấu nợ xấu nhiều, thiếu lành mạnh, họ sẽ không công bố!" .

Trên thực tế, nhiều báo cáo của một số doanh nghiệp nói chung và của một vài ngân hàng nói riêng phải để sau kiểm toán mới lộ diện nhiều khoản bị "lấp liếm" . Do đó việc công bố thông tin nên chẳng cũng cần phải có kiểm chứng . Tránh tình trạng, khi công bố theo tháng, theo quý thì tốt đẹp, đến cuối năm hay sau kiểm toán với lộ khoản "dồn toa" gây thất thiệt cho khách hàng cùng nhà đầu tư .

Cũng theo thông tin từ NHNN, trong tháng 4 này, những thông tin về mua, bán, sáp nhập, giải thể sẽ được công khai . TS. Kiêm cho rằng : "Thông tư này gần như là một động tác đánh tiếng cho các ngân hàng để các ngân hàng tự do mà sắp xếp, anh nào cần thì anh nào tìm đến mà thỏa thuận với nhau để khắc phục khó khăn, nếu không làm được thì NHNN sẽ có biện pháp xử lý...".

Điều này cũng dễ nhận thấy, chế tài mà NHNN sẽ làm đối với những ngân hàng không công bố do hoạt động quá tệ như nợ xấu nhiều hoặc cơ cấu cho vay vào thị trường nóng (như bất động sản, chứng khoán) quá lớn là phải có sự sắp xếp lại, nếu không hai từ "sáp nhập" của NHNN cũng đủ khến nhiều ngân hàng "giật mình".


Theo VNMedia

Các tin cũ hơn