Thế giới đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao |
Giá thực phẩm đã phá hỏng kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sau khi đạt mức kỷ lục hồi tháng 2 năm ngoái và thổi bùng lên các cuộc biểu tình trong làn sóng phong trào mùa xuân Arab nổ ra ở các nước Bắc Phi và Trung Đông.
Sau đó, giá có giảm nhưng xu hướng tăng giá bắt đầu từ tháng 1 vẫn đang diễn ra dai dẳng.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) sẽ cập nhật chỉ số giá thực phẩm được công bố hàng tháng vào tuần tới, cùng với nhận định giá sẽ còn tiếp tục tăng trong ngắn và trung hạn khi nguồn cung lương thực căng thẳng và giá nhiên liệu tiếp tục leo thang.
Giá dầu thô tăng cao đã làm gia tăng áp lực lạm phát từ đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 ở 17 nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp tình hình kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ.
Theo Nick Higgins, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Rabobank, chỉ số giá thực phẩm có sự tương quan cao với giá dầu, giá thực phẩm khó có thể giảm khi giá dầu tăng. Giá nhiên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất phân bón cũng như chi phí vận hành máy móc trên các cánh đồng và hoạt động phân phối thực phẩm.
Chỉ số FAO – chỉ số đo lường sự thay đổi giá cả trong giỏ hàng hóa gồm ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm làm từ sữa, thịt và đường đã tăng điểm trong tháng 1 và tháng 2.
Báo cáo được chính phủ Mỹ đưa ra thứ Sáu tuần trước với những con số ước tính thấp hơn dự báo về lượng lương thực dự trữ càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu, đồng thời khiến giá các hợp đồng ngũ cốc từ Mỹ và châu Âu phục hồi.
Ông Abdolreza Abbassian, kinh tế trưởng của FAO, đồng thời là chuyên gia phân tích ngũ cốc nhận định, ngô và đậu tương được coi như những hàng hóa chính trên thị trường ngũ cốc thế giới cho đến khi vụ mùa mới bước vào mùa thu hoạch. Giá cả sẽ tiếp tục biến động mạnh do ảnh hưởng của thời tiết đến các nước sản xuất chính. Thị trường cũng sẽ có những thay đổi lớn nếu nông dân Mỹ quyết định trồng nhiều đậu tương hơn do mức giá hấp dẫn.
Giá đậu tương trên thị trường kỳ hạn Chicago đã tăng 7% trong tháng Ba và 17% trong quý I năm nay trước lo ngại về nguồn cung khan hiếm do hạn hán ở Nam Mỹ và diện tích trồng đậu tương ở Mỹ bị thu hẹp.
Trên thị trường vật chất, nơi giá cả được FAO sử dụng để tính toán chỉ số thực phẩm, giá đậu tương Mỹ trung bình đã tăng từ 487,31 USD trong tháng hai lên 519,43 USD trong tháng Ba.
Tuy nhiên, ông Abbassian cho rằng giá sẽ tiếp tục giảm trong nửa sau năm nay do niên vụ mới giãn bớt căng thẳng trên thị trường khiến giá trung bình cả năm vẫn thấp hơn mức kỷ lục của năm ngoái.
Theo TTVN/Reuters