Ngân hàng hoãn ĐHCĐ: Kẻ lợi người lo

Thứ bảy, 21/04/2012, 09:20
Hàng loạt ngân hàng tuyên bố hoãn đại hội cổ đông (ĐHCĐ) khiến cho các nhà đầu tư thêm nóng ruột nhất là những người nắm cổ phiếu các ngân hàng yếu thế trong các vụ mua bán sáp nhập.


Tin liên quan
>>ĐHCĐ ngân hàng: Nóng chuyện “ngoài lề”
>>Vietcombank xin ý kiến ĐHCĐ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

 


Mỗi NH đưa ra một lý do khác nhau cho việc hoãn ĐHCĐ, nhưng thị trường đều hiểu
nguyên nhân chính do tính chất nhạy cảm của đại hội lần này. (Ảnh minh họa)

 

Đủ lý do

Hàng loạt ngân hàng đã tuyên bố hoàn đại hội cổ đông, dù bây giờ đã là cuối tháng 4. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo lùi ngày ĐHCĐ đến  5/5/2012 sau khi HBB lùi đến ngày 28/4 so với lịch cũ là 14/4).  

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) cũng lùi ĐHCĐ đến 31/5/2012 và EIB đã có thông báo lùi  đến 12/5/2012 thay vì ngày 26/4/2012. Một điểm đáng chú ý, các ngân hàng lùi đại hội đều liên quan đến các vụ thâu tóm, sáp nhập đang đình đám hiện nay.


Mỗi ngân hàng đưa ra một lý do khác nhau nhưng thị trường đều hiểu nguyên nhân chính do tính chất nhạy cảm của đại hội lần này. Đưa ra những nội dung gì, chuẩn bị thông tin ra sao trình ĐHĐCĐ là điều khiến các nhà băng cần thêm thời gian bàn tính.

Tái cấu trúc là vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh ngân hàng, cẩn trọng là điều không thừa. Đối với những ngân hàng có chủ trương tái cấu trúc, một trong những bước quan trọng nhất tốn thời gian, công sức là phải xây dựng xong phương án trình ĐHĐCĐ thông qua.


Đơn cử trường hợp sáp nhập SHB và HBB. Hiện nay hai ngân hàng này đã tiến đến bước cuối cùng trước khi trình phương án chính thức đề được Ngân hàng Nhà nước ra công văn ủng hộ về mặt chủ trương.

Được biết, cả hai bên đã thuê tư vấn để xây dựng một bản đề án chi tiết về việc sáp nhập. Sau khi được NHNN sơ duyệt, bản đề án sẽ được trình ra ĐHĐCĐ hai ngân hàng  thông qua.

Xem xét đề án sáp nhập của hai ngân hàng xong, được ĐHĐCĐ hai bên thông qua, Ngân hàng Nhà nước mới chấp thuận chính thức. Bước tiếp theo Ngân hàng nhận sáp nhập sẽ làm hồ sơ xin phép UBCK phát hành cổ phiếu để thực hiện hoán đổi.

Cổ phiếu của ngân hàng bị sáp nhập sẽ hủy niêm yết và ngân hàng nhận sáp nhập sẽ thực hiện niêm yết bổ sung sau khi hoàn tất giao dịch sáp nhập.


Như vậy một khối lượng công việc rất lớn cả hai nhà băng thực hiện sáp nhập phải làm: đánh giá lại tài sản, xây dựng phương án hoạt động sau sáp nhập, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự giữa hai nhà băng.

Do đó để có được bản Đề án sáp nhập trình ĐHĐCĐ mất nhiều thời gian. Theo tìm hiểu của người viết bài này, hiện SHB và HBB đang rất tích cực cùng tư nhà vấn là CTCK Vietcombank để hoàn thành bản dự thảo phương án sáp nhập.



Kẻ lợi người lo

Mặc dù chưa có công bố chính thức nhưng chi phí để thực hiện hợp nhất 3 ngân hàng hồi cuối năm 2011 chắc chắn sẽ ngốn một lượng tiền không nhỏ. Do đó việc các ngân hàng tự nguyện tìm đến nhau với mục đích sáp nhập được cơ quan quản lý rất ủng hộ.

Chủ trương sáp nhập, hợp nhất và hợp tác giữa các ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại đề án tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao năng lực tài chính và hoạt động của từng ngân hàng thương mại, cũng như tạo sự an toàn và phát triển lành mạnh cho cả hệ thống.


Quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng sẽ được NHNN và các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Vì vậy, quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền, tài sản của Nhà nước và của nhà đầu tư luôn được đảm bảo.

Được biết, đối với mỗi ngân hàng thuộc diện bị sáp nhập (nhóm 3 và 4), NHNN đã lập ra một tổ riêng  để giám sát. Tại một thời điểm đã được NHNN ngầm định(trong quý I), nếu các tổ chức tín dụng thuộc diện tái cơ cấu không tự tìm đối tác hoặc không tìm được, NHNN sẽ can thiệp bằng cách chỉ định các đối tượng thực hiện tái cơ cấu.

Thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối, NHNN sẽ mua lại CP của các ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu.


Tất nhiên khi đó tài sản của các ngân hàng sẽ được định giá đúng với những gì còn lại theo các quy định của pháp luật. Trong trường hợp các ngân hàng tự nguyện tìm đến nhau thì có thể đàm phán và tìm ra các giải pháp  xử lý tài sản xấu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, nâng giá trị cổ phiếu.

Đây chính là sự khác biệt lớn nhất trong việc tự nguyện tìm đến nhau hoặc để NHNN chỉ định thực hiện tái cơ cấu. Bên cạnh đó, khi tự tìm đến nhau, các ngân hàng sẽ có sự đồng thuận, tìm hiểu tính cách, văn hóa của nhau để có thể "chung sống" yên ấm, lâu dài.

Rõ ràng, nếu ai nhanh chân tìn đến nhau thì sẽ làm tăng quy mô về tổng tài sản, mạng lưới chi nhánh, vốn điều lệ... Kẻ mua được lợi thì đã rõ, còn kẻ bán cũng có cái hay là thoát khỏi án từ, giá cổ phiếu không chỉ phản ánh giá trị thực mà cộng thêm giá trị kỳ vọng sau khi sáp nhập với những vấn đề tài chính đã được xử lý.

Ở góc độ vĩ mô, thị trường tài chính - ngân hàng sẽ có những tổ chức đủ lớn để không chỉ cạnh tranh trong nước mà cả ngoài khu vực theo đúng định hướng của Chính phủ.


Chủ trương là thế, nhưng trong một cuộc mua bán, nhất là những cuộc thâu tóm kiểu "cả mập" trong thời kỳ khó khăn hiện nay đó luôn là một thương vụ đầy toan tính mà không phải chia đều lợi ích cho tất cả.

Những ngân hàng đang khó khăn, be bét nợ nần buộc phải bán mình, mất tên chắc sẽ phải chịu nhiều sức ép, thiệt thòi. Kéo theo đó, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng đó cũng sẽ có những bất lợi trong cuộc chơi này.


Các cổ đông đang hồi hộp theo dõi diễn biến của ĐHĐCĐ các nhà băng có kế hoạch tái cấu trúc, sáp nhập.

Tuy nhiên, trong khi các ông chủ, những cổ đông của bên mạnh tỏ ra yên tâm chờ đợi thì các bên bị thâu tóm, sáp nhập nhất là các cổ đông nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng yếu hơn lại sống trong lo ngại khi cứ phải chờ đợi mà không biết các bước tiếp theo sẽ ra sao. Thời gian lùi ĐHCĐ chính là một quảng thời gian đầy lo âu.


Theo VEF

Các tin cũ hơn