"Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng tôi bị "gàn”. Bởi theo họ cái nghề may đang đắt khách không muốn lại đi làm cái nghề liên quan đến vỏ trấu bụi bặm" - Anh Lương Văn Minh - GĐ Công ty TNHH Trường Doanh.
Tự nghiên cứu và thực hiện thành công dự án chế biến vỏ trấu thành củi đốt và từ đây anh đã cung cấp nguồn nguyên liệu làm chất đốt cho nhiều công ty, mỗi năm thu nhập là hàng tỷ đồng. Anh là Lương Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH Trường Doanh ở khối phố 5, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Sự nghiệp thành công của anh Minh lại bắt đầu từ một câu chuyện khó khăn của một người bạn. Anh Minh kể lại, vào đầu năm 2010, một người bạn là giám đốc một công ty tư nhân tâm sự với anh về những khó khăn mà công ty mình đang gặp phải do khoản chi phí đầu vào cho chất đốt quá cao.
Tiếng thở dài của người bạn khiến anh hàng đêm suy nghĩ và anh đã tìm đọc các tài liệu khoa học liên quan đến việc giới thiệu các loại chất đốt mới có khả năng thay thế cho các loại chất đốt truyền thống.
Lương Văn Minh phát hiện loại chất đốt làm từ nguyên liệu vỏ trấu ở miền Nam đang được thị trường nơi đây rất ưa chuộng, anh quyết định giao tiệm may đang ăn nên làm ra cho vợ quản lý, một mình lặn lội vào Bà Rịa - Vũng Tàu học hỏi kinh nghiệm sản xuất vỏ trấu thành củi đốt.
"Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng tôi bị "gàn”. Bởi theo họ cái nghề may đang đắt khách không muốn lại đi làm cái nghề liên quan đến vỏ trấu bụi bặm. Nhưng tôi đã chứng minh cho họ thấy hướng đi của tôi là đúng đắn.
Bởi mỗi tháng xưởng của tôi nhận hợp đồng cung ứng hơn 300 tấn than củi trấu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp làm chất đốt. Hiện xưởng sản xuất 3 tấn sản phẩm củi trấu/ngày, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng”, anh Minh vui vẻ cho biết.
Anh Nguyễn Tấn Kim (thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, Núi Thành) là người lao động gắn bó với xưởng từ ngày đầu thành lập cho biết: "Tôi thấy mô hình sản xuất củi trấu này của anh Minh rất thiết thực, vì nó tận dụng được phế phẩm của hoạt động xay xát lúa không để thải ra môi trường gây ô nhiễm, lãng phí. Hiện người dân địa phương đang rất quan tâm đến loại chất đốt thân thiện này”.
Theo anh Minh, sở dĩ sản phẩm củi trấu đang được các đơn vị sản xuất công nghiệp lựa chọn bởi các tính năng như: Nhiệt lượng khi đốt trong lò hơi công nghiệp đạt từ 3.800- 4.200 độ C, giá thành lại rẻ hơn so với các loại chất đốt truyền thống khác như than đá, than tổ ong, củi tự nhiên...; nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ vỏ trấu nên thân thiện với môi trường, góp phần thay thế cho lượng củi đốt lấy trong tự nhiên.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty Trường Doanh ngày một mở rộng, có nhiều đơn vị muốn đặt hàng 120 tấn/tháng, anh đã có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu và giải quyết thêm nhiều lao động tại địa phương và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động.
"Trong thời gian tới tôi sẽ xây dựng những vệ tinh sản xuất sản phẩm củi trấu và đứng ra bao tiêu sản phẩm tại một số địa phương có nguồn vỏ trấu dồi dào như Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn. Tôi nghĩ việc mở rộng hoạt động sản xuất là rất khả thi và thiết thực, bởi bên cạnh vấn đề lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì nó còn góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống bền vững”- anh Minh bày tỏ. Chia tay anh chúng tôi rất mong nguyện ước của anh sẽ thành hiện thực.