Gặp doanh nhân sang Nhật "lôi" 1 tỷ USD về Việt Nam

Thứ sáu, 20/04/2012, 13:44
Ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty N&G Corp nói về kế hoạch bắt tay với hai đại gia là Hanel và Doji phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam và thương vụ cất công sang Nhật ký kết hợp tác 1 tỷ USD...

Các tin khác
Chuyện về con cua thì quá đỗi giản dị, chẳng hề có gì liên quan hay gần gũi để dẫn dắt đến vấn đề to tát là giao thương và văn hóa. Vậy sao được xếp cùng nhau trong nhan đề của bài này? Ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần  Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp), lại có cái lý của mình từ những điều tưởng như vô lý ấy.

 
Ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần  Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp)


Có một vị giáo sư người Mỹ giảng dạy về quản trị kinh doanh, sinh sống tại Việt Nam. Một buổi trưa, ông đi chợ để tìm mua cua về cho người vợ Việt nấu món canh giải nhiệt mùa hè.

Điều khiến ông lấy làm lạ là, mặc cho người bán ngồi gà gật trong nắng trưa, những con cua vẫn chỉ bò lồm cồm trong đáy chậu, không con nào bò ra ngoài. Ông Tây bèn đem thắc mắc ấy hỏi người bán hàng, vì sao không cần đậy, không cần trông mà con cua vẫn không bò đi mất? Người bán hàng cười - giống cua nước tôi nó thế!

Vị giáo sư này đem câu chuyện trên để hỏi lại các học viên của mình, trong đó có ông Nguyễn Hoàng. Và ông Hoàng ghi nhớ đây như bài học kinh doanh nằm lòng của mình. Không có con cua nào bò được ra ngoài vì cứ hễ con nào bò lên được một chút, sẽ liền có con khác kéo nó xuống.

Qua gần 20 năm đầu tư kinh doanh, ông Hoàng càng ngày càng thấm thía cái triết lý - muốn mạnh cần phải sẻ chia và liên kết, đừng lo sợ người khác hơn mình mà hãy chia sẻ cơ hội để cùng phát triển. Đó có thể là lý do để ông Hoàng bỏ công sức sang Nhật Bản tìm kiếm đối tác đầu tư vào dự án Khu Công nghiệp Nam Hà Nội và trở về Việt Nam bắt tay với hai đối tác Hanel và Doji để tạo thế chân kiềng trong dự án này.


Cái tâm quyết định sự song hành

Những ngày này, các phương tiện truyền thông đang nóng lên cùng làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã dẫn đầu trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm ở mức 2,3 tỷ USD, chiếm đến 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hơn thế, các dự án lớn đều thuộc về Nhật Bản, trong đó có dự án Shimizu Corp của nước này ký kết đầu tư 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) do N&G Corp làm chủ đầu tư. Những con số ấn tượng kia phải chăng đã nói lên thực tế, Việt Nam đã chứng minh được sức hấp dẫn của mình trong mắt đối tác Nhật Bản?

Trả lời câu hỏi của tôi, ông Nguyễn Hoàng khum bàn tay đặt lên ngực trái của mình và nói, từ thực tiến của N&G và cá nhân tôi, tôi hiểu ra, muốn đối tác Nhật Bản đi đường dài cùng mình, phải bắt đầu từ tâm ý đến với tâm ý.

- So với Shimizu Corp, N&G Corp có thể chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, vậy tâm ý ở đây phải hiểu thế nào, thưa ông?

Quả thật, nếu so với mức doanh thu 20 tỷ USD/ năm của Shimizu Corp thì N&G Corp chỉ là một công ty qui mô rất nhỏ. Nhưng để có thể thuyết phục được Shimizu Corp song hành cùng mình, N&G Corp phải chứng minh được việc hợp tác này mang lại nguồn lợi gì? Đó không phải là khoản lợi nhuận lớn có được trong trước mắt, mà chính là việc tạo nên nguồn lực phát triển dài hạn, chung tay để đưa doanh nghiệp Nhật Bản đến với Việt Nam.

Tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản khiến cho họ theo đuổi mục đích dài hạn và chỉ muốn bắt tay với những doanh nghiệp có tầm nhìn tương thích và có cùng quan niệm trong kinh doanh.

- Từ thực tế vận động, kêu gọi đầu tư của N&G Corp, ông nhìn nhận thế nào về luồng đầu tư từ Nhật Bản đến Việt Nam trong dài hạn?

Hiện sóng đầu tư từ Nhật Bản đang rất mạnh, nhất là từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi đã làm việc với Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt hỗ trợ toàn cầu hoá công ty nhỏ và vừa Nhật Bản và biết rằng, 214.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hoạt động trong ngành chế tạo chưa đầu tư ra nước ngoài lần nào, nhất là doanh nghiệp ở khu vực vừa xảy ra thảm họa động đất, đang hướng quan tâm đến địa điểm đầu tư Việt Nam. Vấn đề hiện tại là, Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng các điều kiện để đón họ hay lại bỏ lỡ thời cơ?

Vậy đâu là mấu chốt để có thể thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản, thưa ông?

Tôi muốn nhấn mạnh đến điều này, để thu hút đầu tư thành công, không chỉ chú trọng đến việc đưa ra được những chính sách hấp dẫn mà điều mấu chốt cần có được chính là đẩy mạnh giao thương văn hóa. Chỉ khi chúng ta tạo dựng được môi trường đầu tư gắn bó, thân thiết, khiến cho nhà đầu tư cảm nhận như đây là quê hương thứ hai của mình, thì họ mới sẵn lòng đầu tư lâu dài được. Người Nhật Bản và người Việt Nam cùng là người dân châu Á cùng theo đạo Phật vậy nên những thước đo xã hội, quan niệm sống rất tương đồng, nội tâm gần gũi. Khi đã hiểu được nhau, thì mục tiêu lợi nhuận xuống hàng thứ hai nhường cho ưu tiên số một là cơ chế đảm bảo sự song hành lâu dài. Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh thu hút đầu tư từ những nước trong khu vực mà Indonesia và Myanmar đang nổi lên như đối thủ đáng gờm. Chúng ta đã qua cái thời thu hút đầu tư bằng mọi giá mà cần phải đề ra được chính sách riêng nhằm tạo nên sức hấp dẫn riêng – giao thương văn hóa là con đường tất yếu.
 
- Nếu đưa những điều ông vừa chia sẻ vào trong dự án cụ thể HANSSIP, có thể mường tượng thế nào về bước phát triển của khu công nghiệp phụ trợ này?
 
Chúng tôi muốn tạo dựng HANSSIP trở thành một thành phố công nghiệp phụ trợ để nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và gắn bó lâu dài. HANSSIP được quy hoạch, thiết kế theo quy chuẩn công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản - do tập đoàn thiết kế Nhật Bản đảm trách. Đây sẽ là khu công nghiệp hỗ trợ - đô thị - dịch vụ, logistic, trung tâm thương mại, ngân hàng, y tế, trường học để đảm bảo cho công nhân, chuyên gia cùng gia đình làm việc, sinh sống lâu dài cùng sự phát triển của doanh nghiệp gắn chặt vào HANSSIP...
 
- Vai trò của đối tác Shimizu Corp trong dự án này sẽ mang lại điều gì thưa ông?
 
Theo thỏa thuận, Công ty Shimizu sẽ hợp tác với N&G Corp để xây dựng và phát triển  HANSSIP và Khu đô thị dịch vụ, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp này trên cơ sở mở rộng cụm công nghiệp Đại Xuyên ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đối tác này cũng sẽ đóng vai trò thu hút các doanh nghiệp từ Nhật Bản đến đầu tư tại HANSSIP. Thông thường, cứ 1 doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư sẽ cần đến 10 doanh nghiệp vệ tinh Việt Nam.

Sau khi đi vào hoạt động, HANSSIP sẽ là điểm đến của khoảng 200 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thuộc các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, điện tử, tin học, sản xuất và lắp ráp ôtô, và một số ngành công nghiệp khác.

 
Chân kiềng chiến lược
 
Trong một diễn biến khác quanh dự án lớn này, mới đây, N & G đã phối hợp với công ty TNHH một thành viên HANEL, tập đoàn DOJI cùng chung tay phát triển HANSSIP, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

- Sự hợp tác này sẽ mang lại điều gì, thưa ông? Liệu có phải trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay, N&G cảm thấy cần phải có thêm những đối tác để hoàn thành được dự án?
 
Tôi vẫn nói với anh em bạn bè, đừng bao giờ “một tay che hết mặt trời”. Nhiều người nói HANSSIP đang gặp “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” khi những chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ được Chính phủ và Hà Nội xác định là trọng tâm trong quy hoạch đến 2020, khi được xác định là động lực mũi nhọn để hình thành phát triển Khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, HANSSIP sẽ phải chuẩn bị quỹ đất để di chuyển hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ ra khỏi trung tâm Hà Nội theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội. Các doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất tại đây sẽ được hỗ trợ về nhiều mặt: thủ tục nhanh gọn, định hướng đầu tư sản phẩm, ưu đãi về thuế, hỗ trợ đào tạo lao động và đặc biệt sẽ được ưu tiên cho vay vốn trung dài hạn, ngắn hạn để đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Với khối lượng công việc và tiềm năng lớn đến như vậy, N&G không muốn độc hành mà cần tìm đối tác để song hành cùng phát triển.

- Vậy tại sao lại là Hanel và Doji, thưa ông?

HANEL là doanh nghiệp đầu tiên có kinh nghiệm làm chủ đầu tư Khu công nghiệp ở phía Bắc. Đây cũng là doanh nghiệp qui mô lớn thuộc sở hữu Nhà nước có truyền thống và vẫn đang theo đuổi mục tiêu phát triển công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, mà gần nhất chính là thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản để sản xuất loại pin thế hệ mới từ nước biển.

Giai đoạn 1 của dự án HANSSIP sẽ dành cho việc di chuyển khu công nghiệp Sài Đồng ra. Với đối tác DOJI, doanh nghiệp đã vươn lên trong top 3 của 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong năm 2011, với chiến lược đầu tư công nghệ cao trong chế tác đá quý mỹ nghệ cùng những kinh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư tài chính sẽ mang lại những giá trị quý báu cho việc định hướng và mang đến tiềm lực tài chính cho liên kết.

Thêm vào đó, DOJI cũng đã xác định sẽ phát triển Tienphong Bank như một ngân hàng chuyên doanh cho công nghiệp phụ trợ với những khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ. N&G và HANEL cùng DOJI gặp nhau ở một điểm dám nghĩ, dám làm và quyết tâm đi đến cùng tâm nguyện thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Đây là điểm mấu chốt tạo nên thế bền chặt của chấn kiềng liên kết này.
 
- Việt Nam đã từng xác định vai trò và vị trí của công nghiệp phụ trợ. Nhưng để rồi sau một thời gian dài, vẫn phải chấp nhận thực tế, chưa có được công nghệ phụ trợ đúng nghĩa. Vì sao chính sách chưa thể đi vào thực tế, thưa ông?
 
Liên quan đến tạo cơ chế chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, Chính phủ đã ra Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 96/2011/TT-BTC. Điều này cho thấy quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ trong việc xây dựng nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thế giới và Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi, những chính sách hỗ trợ trên đã không còn thích hợp nữa mà cần được điều chỉnh, bổ sung để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Bên cạnh việc xem xét đưa ra những chính sách ưu đãi cạnh tranh so với các nước trong khu vực như ưu đãi thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh nghiệp, hỗ trợ, miễn giảm tiền thuê đất, phí đào tạo nhân công, ưu đãi vốn cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong Khu công nghiệp phụ trợ…,

Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, đăng ký tạm trú tạm vắng và sở hữu nhà, đất ở cho nhà đầu tư nước ngoài … Có như vậy, những chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam mới đủ độ quyết liệt vào tạo nên sự yên tâm cho nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
 
Xin cảm ơn ông!

 

Theo DĐDN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích