Tăng giá xăng dầu: Người lao động khốn đốn

Thứ sáu, 20/04/2012, 11:47
Sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, hàng loạt doanh nghiệp xin giải thể, tạm ngừng hoạt động, phá sản... hiện nay xăng dầu lại dình rập muốn tăng giá.

 

Tin liên quan
>>
Xăng lại sắp có đợt tăng giá mạnh?
>>Các doanh nghiệp xăng dầu 'trần tình' chuyện lỗ lãi
 

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Tính đến chiều 18-4 đã có 4 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu gửi phương án tăng giá đến Bộ Tài chính. Đó là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp. Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro), Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. Đại diện một trong 4 doanh nghiệp đầu mối này cho biết, nguyên nhân xin tăng giá xăng dầu là do giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên doanh nghiệp đang bị lỗ.

Cách đây hơn một tháng (ngày 7-3), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng 2.100 đồng/lít, diesel tăng 1.000 đồng/lít, mazut 2.000 đồng/kg, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít. Trong năm 2011, giá xăng dầu trong nước có 2 lần điều chỉnh tăng vào 24-2 và 29-3 và 2 lần điều chỉnh giảm vào 26-8 và 10-10.

Theo tính toán của doanh nghiệp, khi giá tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng 5%. Do vậy, các hãng taxi sẽ tăng giá cước khoảng 5%. Còn khi dầu diezen tăng 5% sẽ làm chi phí vận tải hàng hoá, hành khách tăng 2%. Trước thông tin có 4 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu đề nghị tăng giá, nhiều người lao động đã có những phản ứng khác nhau về vấn đề này.

Anh Nguyễn Văn Trương, lái xe taxi Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Em vay mượn hai bên nội ngoại được hơn 10 triệu đồng để đặt cọc vào Công ty nhận xe chạy taxi. Năm ngoái, mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản, em còn mang về nhà được 5 triệu đồng. Từ đầu năm đến giờ chỉ bỏ ra được 1-2 triệu đồng, tháng 3 em bị “lõm” vì ít khách đi… Nếu như giá xăng lại tăng nữa, cước xe buộc phải tăng. Khách đi xe sẽ lại ít hơn...”.

 

Một điểm bán lẻ xăng dầu


Anh Duyên quê ở Trực Ninh, Nam Định làm nghề lái xe ôm ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội trăn trở: “Chúng em chung nhau thuê nhà, năm ngoái mỗi tháng em chỉ phải trả 200.000 đồng/tháng cho một chiếu (chỗ ngủ-PV). Sau khi xăng dầu lên giá, em phải trả 300.000 đồng/tháng để lấy chỗ ngủ. Dạo này khách ít đi xe ôm. Nhiều gia đình trước kia thuê xe ôm chở con đi học, giờ đây họ tự làm lấy. Nếu xăng dầu lên giá, các mặt hàng sẽ lên theo. Những gia đình như chúng em sẽ rất khó khăn”.

Đó là những lo âu, trăn trở của người nghèo, còn những người thuộc tầng lớp khá giả hơn thì sao? Chị Thanh, cán bộ một ngân hàng ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Trước kia em đi làm bằng ôtô, hiện em chỉ đi ôtô vào trời mưa hoặc phải chở con đi học. Nếu nay xăng tiếp tục tăng giá, cộng các loại phí áp dụng cho ôtô, có lẽ em phải “bỏ” xe. Em nói bỏ xe vì bán thời điểm này không có người mua”.     

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tiếp tục tăng giá xăng dầu sẽ có những tác động xấu đến tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như xuất khẩu. Hiện nay, dư luận đang quan tâm đến vấn đề Bộ Tài chính có đồng ý với đề xuất tăng giá xăng dầu trong thời điểm này hay không?

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính: Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trong 30 ngày qua vẫn ở mức cao khoảng 134USD/thùng. Hiện tại, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đang ở mức 0%. Do vậy, để đảm bảo hài hòa lợi ích quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang cân nhắc, tính toán.


Theo Báo Công Lý

Các tin cũ hơn