Khi Phần Lan cố thoát khỏi "cái bóng" ảm đạm của Nokia

Thứ ba, 24/04/2012, 13:24
Sự phát triển của Nokia trong suốt những năm qua đã đóng góp tích cực vào nhiều khía cạnh của nền kinh tế Phần Lan. Nhưng có vẻ như giờ đây, Nokia đang là "cục nợ" cần dứt bỏ của quốc gia này.


Tin liên quan
>>
Nokia mất ngôi “vua" ở Phần Lan
>>Phần Lan: điểm sáng hiếm hoi kinh tế châu Âu

 


 

Khi quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào một công ty đơn lẻ, những hệ quả rắc rối rất có thể sẽ nảy sinh. Vào năm 2000, Nokia là đế chế khổng lồ thống trị mảng sản xuất điện thoại di động cá nhân. Nhưng nay, thiên đường đã sụp đổ và những hậu quả nó gây ra thật khủng khiếp.

Giá cổ phiếu của Nokia hiện nay đã giảm tới 94% so với mức cao nhất trong lịch sử đạt được vào năm 2000, kéo theo đó là hàng ngàn kỹ sư đang mòn mỏi tìm việc do chính sách cắt giảm sản xuất tại điạ phương và chuyển dần dây chuyền sang các nước châu Á.

Theo Jyrki Ali-Yrkko, một nhà kinh tế học tới từ trung tâm nghiên cứu ETLA tại Helsinki: Tỷ trọng đóng góp của Nokia vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 chỉ còn chiếm 0,8%, trong khi con số này năm 2000 là 4%. Vào cuối năm nay, đội ngũ nhân sự người bản địa tại Nokia sẽ giảm tới 40% trong vòng 6 năm qua – theo công bố của Bộ kinh tế Phần Lan.

Hoạt động kinh doanh trong mảng smartphone của Nokia đã phải gục ngã trước iPhone của Apple cũng như những hãng chế tạo thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành Android. Mảng điện thoại phổ thông phục vụ các thị trường mới nổi hiện lại đang phải cắt giảm và chịu sự cạnh tranh gắt gao của các đối thủ tới từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân Phần Lan hiện vẫn thể hiện niềm tin vào "đứa con cưng" một thời của quốc gia bằng việc mua cổ phiếu của hãng. Khu vực hộ gia đình tại Phần Lan hiện nắm giữ khoảng 10% tổng số cổ phiếu Nokia, tăng từ mức 5,4% cách đây 2 năm.

Nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Phần Lan hiện đang gánh chịu những điều tồi tệ nhất từ cú shock mang tên Nokia. “Qua nhiều năm, Nokia đã phủ bóng lên những ngành công nghiệp khác tại Phần Lan” - dẫn lời Petri Peltonen từ Bộ kinh tế - “Họ đã hút cạn nhiều nguồn lực của quốc gia, và nay, mọi thứ đang xấu đi trông thấy.”

Nhằm giúp Phần Lan duy trì danh tiếng trong việc chế tạo những sản phẩm có chất lượng, một hướng đi được đề ra đó chính là phát triển ngành công nghiệp game trên điện thoại di động.

Game Angry Birds gần như đã chiếm lĩnh mạnh mẽ trên thị trường người dùng iPhone. Hãng sản xuất Angry Birds là Rovio Entertainment nhiều khả năng sẽ là “ông lớn” công nghệ kế tiếp tại Phần Lan thực hiện IPO, với giá trị lên tới khoảng 1 tỷ USD.

Tổng số nhân viên tại 100 công ty kinh doanh game của Phần Lan sẽ tăng gấp 4 lần, đạt mốc 6.500 người vào năm 2020 – theo đánh giá của Sonja Kangas, trưởng chi nhánh Phần Lan của Hiệp Hội Phát Triển Game Quốc Tế (International Game Developer Association).

Chính phủ hiện đang cố thu hút những trung tâm dữ liệu quay về mô hình văn phòng giấy tờ truyền thống để bán đi hệ thống lưới điện hoạt động ổn định suốt 30 năm qua của mình.

Google là hãng đầu tiên đã chấp nhận, kế đó là IBM. Bất chấp sự cắt giảm nhân lực của Nokia, tỷ lệ thất nghiệp tại Phần Lan vẫn có chút tín hiệu khởi sắc khi giảm từ 8,5% năm 2010 xuống 7,9% trong năm vừa rồi.

Điều Phần Lan thực sự cần bây giờ là sự xuất hiện của các doanh nghiệp khó có thể bị “sao chép” cũng như quyết bám trụ ở thị trường nội địa. Hãng khai thác niken Talvivaara Mining đang là một trong những ngôi sao mới nổi.

Ngành công nghiệp hoá chất hiện cũng đóng góp tới 20% tổng lượng xuất khẩu, tăng 10% so với năm 2000. Một điểm sáng gần đây là việc công ty Kemira hiện đã chế tạo thành công hợp chất làm trung hoà nước chứa thuỷ ngân để trở thành nước tinh khiết.

Những hãng sản xuất tàu tại Phần Lan hiện cũng đang nỗ lực phát triển những chiếc tàu phá băng phục vụ cho việc nghiên cứu Bắc cực, cũng như chế tạo những tàu vận tải cỡ lớn hạng sang.

Chiếc Allure of the Seas được khởi công tại Turku và đã chuyển giao cho hãng Royal Cribbean Cruises vào năm 2010 bao gồm một công viên trung tâm ngay trên tàu với 12.000 cây cảnh cùng một nhà hát 3D cỡ trung.

Nhiều nhà phân tích đánh giá nền kinh tế của đất nước Bắc Âu này có dấu hiệu sớm “hồi sinh” trở lại. “Sự phát triển của Phần lan trong tương lai sẽ giống như nhiều dòng suối nhỏ tập trung thành dòng sông lớn, chứ không phải như ngọn thác ào ạt mang tên Nokia như trước đây.”


Theo Tài chính Quốc tế

Các tin cũ hơn