Sáp nhập Mobi - Vina: “Mỏ vàng” ai dễ buông tay

Thứ ba, 24/04/2012, 11:28
Giữ nguồn lực để điều tiết hạ tầng là cái lý để Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đề xuất sáp nhập hai mạng di động MobiFone và VinaPhone. Nhưng với thị trường, đây không được xem là phương án tối ưu.

>> Hợp nhất nhưng vẫn giữ thương hiệu MobiFone và VinaPhone
>> VNPT đề nghị không cổ phần hóa MobiFone
>> Bộ chưa đồng tình việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone

VNPT vừa gửi Dự thảo Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động lên Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) để xin ý kiến. Theo Đề án, VNPT sẽ thực hiện cuộc “đại phẫu” trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thành viên theo hướng hợp nhất, “công ty hóa” để hình thành những đơn vị kinh doanh chủ lực theo từng khối kinh doanh.

Một trong các đề xuất lớn được VNPT đưa ra trong Đề án là tổ chức lại VinaPhone và MobiFone thành Tổng công ty Thông tin di động VNPT (VNPT - Mobile). VNPT - Mobile sẽ là công ty hạch toán phụ thuộc Tập đoàn và trực tiếp kinh doanh dịch vụ di động với hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone.

 

 


Lý do đưa ra đề xuất trên, theo VNPT, là để nắm giữ nguồn lực nhằm điều tiết cho hạ tầng. Theo tính toán của VNPT, trong 5 năm qua, mảng thông tin di động đã mang lại lợi nhuận chủ yếu cho Tập đoàn. Ngoài ra, việc sáp nhập hai mạng di động trên sẽ giúp các đơn vị thành viên của VNPT thực hiện tốt hơn việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, để tiết kiệm chi phí đầu tư và phối hợp kinh doanh giữa VNPT - Mobile với các công ty dọc và các VNPT tỉnh, thành phố được tốt hơn.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án trên, VNPT sẽ sẵn sàng triển khai ngay việc tái cấu trúc trong quý III/2012. Và đến giai đoạn 2016-2020, VNPT sẽ đưa VNPT - Mobile hoạt động độc lập theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Song song với việc đề xuất sáp nhập MobiFone và VinaPhone, VNPT cũng đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone như kế hoạch đã được đưa ra từ năm 2005. Việc không cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo điều kiện ổn định cho hoạt động, cũng như có đủ nguồn lực cần thiết, đảm bảo cho sự thành công của quá trình đổi mới Tập đoàn.

Như vậy, với những lý do được VNPT đưa ra ở trên, việc sáp nhập hai nhà mạng di động 100% vốn của VNPT xem ra mang lại lợi ích cho tập đoàn kinh tế này nhiều hơn là cho thị trường.

Trước tiên, nếu VNPT hoàn tất quá trình sáp nhập, thị trường sẽ chỉ còn lại 2 mạng di động lớn với tổng thị phần 94,54%, trong đó VNPT -Mobile với 57,82% thị phần và Viettel với 36,72% thị phần.

Các nhà mạng nhỏ còn lại là Vietnamobile, S-Fone, Beeline với 5,46% sẽ thực sự gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh để “sinh tồn”, khi thị trường đã đạt ngưỡng bão hòa về thuê bao.

Theo bình luận của LS. Trần Vũ Hải, Trưởng văn phòng LS. Trần Vũ Hải và Công ty TNHH Luật Hà Nội, nếu chỉ có hai nhà mạng chiếm đến hơn 90% thị phần, thì rất dễ xảy ra khả năng các nhà mạng nhỏ bị “bóp ngẹt”, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Trong lần trao đổi gần đây với PV, ông Michael Sascha Cluzel, Tổng giám đốc GTel Mobile, đơn vị điều hành mạng Beeline cho rằng, sẽ có những thách thức về chính sách và hành lang pháp lý khi thực hiện sáp nhập các mạng viễn thông lớn và MIC sẽ phải có giải pháp đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các nhà mạng nhỏ.

“Beeline với tư cách là nhà mạng nhỏ hy vọng có tiếng nói nào đó cùng với MIC giải quyết các thách thức để ra được chính sách công bằng cho thị trường viễn thông giai đoạn sau này”, ông Michael Sascha Cluzel nói.

Bên cạnh đó, việc VNPT đề xuất không cổ phần hóa MobiFone mà thực hiện phương án sáp nhập sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn đủ kiên nhẫn để chờ cơ hội tham gia lĩnh vực viễn thông của Việt Nam. Lý do là, khi Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn và quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông ra đời, buộc VNPT không được phép sở hữu 100% vốn tại cả hai mạng VinaPhone và MobiFone, các nhà đầu tư những tưởng tiến trình cổ phần hóa MobiFone sẽ được đẩy nhanh và cơ hội tham gia vào lĩnh vực viễn thông của Việt Nam sẽ được mở rộng.

Theo bình luận của đại diện NTT Docomo (Nhật Bản), sự ra đời của Nghị định 25/2011/NĐ-CP sẽ dễ dàng hơn cho NTT Docomo tham gia góp vốn vào các đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông. Thế nhưng, thực tế có thể diễn ra ngoài sự kỳ vọng của NTT Docomo.


Theo Đầu tư

Các tin cũ hơn