DN chậm nộp tiền sử dụng đất: Vai trò quản lý nhà nước ở đâu ?

Thứ ba, 24/04/2012, 10:20
Ông Lê Văn Sâm - giám đốc Sở TN-MT thừa nhận: “Các thủ tục hành chính liên quan đến việc nộp thuế của các DN đầu tư DA nhà ở cũng còn nhiêu khê khiến DN cũng phải đi lại nhiều”.


Tin liên quan
>>Dự án "bất động" vì tiền sử dụng đất
>>Nộp tiền sử dụng đất: Lỗi chính sách, dân lãnh đủ
>>Doanh nghiệp địa ốc kêu khổ vì tiền sử dụng đất quá cao


Tại buổi làm việc của Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh với Sở TN-MT và Cục thuế tỉnh mới đây, các đại biểu HĐND tỉnh BR - VT đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước của 2 cơ quan chủ quản này liên quan đến các thủ tục hành chính, đã hỗ trợ tốt cho các DN sử dụng đất xây dựng nhà ở thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay chưa ?
 

Chậm cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN chủ yếu do qui trình xác định giá đất nhiêu khê.


DN gặp nhiều trở ngại

Nhưng nguyên nhân mấu chốt của vấn đề là do các tác động khách quan như: đa phần các DA vừa có diện tích đất DN tự thỏa thuận mua của dân, vừa có diện tích đất được UBND tỉnh giao, do đó thủ tục rất phức tạp.

Hơn nữa, trong số diện tích đất DN mua của dân, có rất nhiều trường hợp diện tích trong sổ đỏ không đúng trên thực tế. Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ xin hợp thửa, sang tên chủ sở hữu của DN, việc kiểm tra xác định có hay không diện tích “chồng lấn” giữa các bìa đỏ nằm trong hồ sơ mà DN nộp thì lại không được thực hiện ngay. Chỉ đến khi cán bộ TNMT “xử lý” hồ sơ đó thì chuyện “chồng lấn” mới được “phát hiện” và mới được điều chỉnh. Có khi thời gian mất hàng tháng trời. 

Còn việc Sở TN-MT chậm cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN được ông Lê Văn Sâm lý giải chủ yếu là do qui trình xác định giá đất rất nhiêu khê.

Ông Sâm dẫn giải: Theo chủ trương, việc xác định giá đất cho thuê hay giao đất, tất cả đều phải khảo sát lại giá thị trường trong điều kiện bình thường. Trách nhiệm của Sở TN-MT là chuyển thông tin địa chính của vị trí khu đất đó đến cơ quan Tài chính. Sở Tài chính sẽ lấy ý kiến của địa phương nơi có thửa đất đó. Sau 10 ngày, DN được giao đất, thuê đất phải chọn đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát giá.

Trong trường hợp DN không chọn được tư vấn thì Sở Tài chính chọn. Các nội dung khảo sát gồm: Vị trí đó có thuận lợi hay không, hạ tầng kỹ thuật như thế nào. Tuy nhiên, thời gian thực hiện khảo sát này chưa qui định cụ thể, do đó có DA mất một tháng, có DA hết tháng rưỡi, hoặc hơn.

Sau khi có kết quả khảo sát, Hội đồng thẩm định sẽ họp thống nhất, trình UBND tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt. Sau khi HĐND tỉnh phê duyệt thì UBND mới chính thức ban hành giá đất. Lúc đó, DN chờ thông báo thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi DN hoàn tất nghĩa vụ tài chính, Sở TN-MT mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN. Như vậy Sở TN-MT là khâu cuối cùng nên cũng không thể “đốt cháy giai đoạn”.

Cũng là chuyện khó trong khâu xác định giá đất, ông Lê Thế Thanh - trưởng phòng nghiệp vụ và dự toán, Cục Thuế tỉnh thừa nhận: “DN đang kêu nhiều” vì xác định lâu quá. Thậm chí mặt pháp lý để thực hiện khâu này chưa nhiều, chưa đầy đủ, đôi khi còn vướng cả trong việc xác định thế nào là đất vườn ao…
 

Thuế cũng khó

Về trách nhiệm của ngành thuế, ông Võ Thành Long - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng: Trong qui trình thu tiền sử dụng đất, tiền thuế đất thì theo thông tư 30, cơ quan thuế, tài nguyên môi trường, kho bạc, Tài chính - 4 đơn vị này phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đó qui định chức năng từng cơ quan rất rõ. Ví dụ, xác định sơ đồ, vị trí đất là thuộc cơ quan Tài nguyên môi trường còn đơn giá đất do Sở Tài chính xác định chứ không phải của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế chỉ căn cứ vào những xác định mà Sở Tài chính đưa ra để tính ra tiền sử dụng đất mà DN phải nộp cho toàn bộ phần diện tích đất được giao hoặc được thuê. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế tính xong và ra thông báo thuế, DN phải nộp tiền vào Kho bạc.

Sau thời gian đó nếu DN không nộp thì  bị phạt nộp chậm”. Theo ông Long, qui định là rất cụ thể, cơ quan thuế dựa vào đó thực thi nhiệm vụ chứ không thể làm trái, cũng không thể thúc bách DN nếu các bước trước chưa hoàn tất. Còn nếu DN chậm nộp thì cơ quan thuế tính tiền nộp phạt.


Tiền ứng trước không được tính trừ hợp lý

Thêm một khó khăn mà các ngành chức năng đưa ra là việc tính toán cấu trừ tiền DN ứng trước để tỉnh giải phóng mặt bằng chưa hợp lý, nên nhiều DN không đồng thuận.

Cụ thể, do khó khăn về tài chính nên tỉnh chủ trương kêu gọi các DN ứng trước tiền thuê đất để tỉnh đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Khi có đất sạch, UBND tỉnh mới ra quyết định giao đất. Căn cứ vào quyết định giao đất của tỉnh, cơ quan thuế mới tính tiền sử dụng đất (qui định thời điểm tính tiền sử dụng đất phải được tiến hành tại thời điểm giao đất).

Điều này dẫn đến tình trạng: DN bỏ tiền trước, có khi tới một vài năm, nhưng tiền phải nộp lại tính theo giá hiện tại khi nhận quyết định giao đất. Thường là giá đất hiện tại cao hơn vì được điều chỉnh tăng hàng năm.

Do đó các DN không chấp nhận mà yêu cầu phải tính giá tại thời điểm tạm ứng tiền. Trong khi thủ tục giao đất lại phức tạp, mất thời gian, không thể đáp ứng được yêu cầu của DN.

Để chứng minh điều này, ông Lữ Sỹ Dũng - trưởng phòng quản lý các khoản thu từ đất cho biết: “Có DA chúng tôi thông báo tiền thuế, tiền chuyển mục đích sử dụng đất nhưng DN thắc mắc, năm 2004 - 2005, họ đã ứng  trước tiền thuê đất 1 triệu USD, nhưng tỉnh lại không tính giá đất năm 2004, 2005 mà tính giá năm 2009. Kết quả là DN phản ứng không chịu nộp tiền.Chính vì “dị ứng” với cách tính toán này, nhiều DN không mặn mà đầu tư. Về phía địa phương cũng không thu hút được nhà đầu tư, chưa khuyến khích việc sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển.
 

Theo DĐDN

Các tin cũ hơn