Theo Vicofa, lẽ ra việc thu phí được tiến hành từ ngày 1/1/2012, song thời điểm đó rơi vào giữa vụ nên hoãn đến đầu niên vụ mới. Theo giải thích của Vicofa, nếu không thu phí thì VN sẽ tụt hạng trong XK cà phê. Hiện nay VN đang ở vị trí XK cà phê thứ 2 thế giới, nhưng nếu không tái canh tác thì vị trí XK sẽ tụt hạng. Lúc đó sản lượng cà phê XK cũng chỉ được 50-60% so với hiện nay.
Thực tế, trên thế giới đã có nhiều bài học nhãn tiền từ các nước XK cà phê hàng đầu, do không chú trọng tới tái canh mà lượng XK cà phê đang có dấu hiệu giảm mạnh. Cụ thể là trường hợp Colombia, nếu như năm 2005, 2006 từng xuất khẩu 12,5 triệu bao cà phê nhân thì nay cũng chỉ còn khoảng 8 triệu bao. Tương tự, một nước khác trong khu vực ASEAN có lượng XK cà phê lớn là Indonesia cũng không chú trọng tới tái canh cà phê mà đã rớt ra khỏi những nước XK cà phê hàng đầu thế giới.
Có thể thấy, việc đề nghị cũng như lời giải thích của Vicofa có phần hợp lý bởi tình trạng tranh mua tranh bán, tìm mọi cách để tăng kim ngạch XK đã xảy ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó ít có DN nào quan tâm tới vấn đề tái canh, hay làm thế nào để nâng cao chất lượng hạt cà phê VN...
Hiện cả nước có khoảng 137.000 ha cà phê (chiếm 27,4% diện tích) cần được tái canh trong 10 năm tới. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, để nâng cao năng suất cà phê Việt từ 2,1 tấn/ha hiện nay lên 2,4 tấn/ha, ngành cà phê phải đầu tư khoảng 14.000 tỉ đồng để tái canh gần 180.000 ha diện tích cà phê già cỗi, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, điện...
Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là việc thu phí của Vicofa dự kiến mới chỉ áp dụng cho các DN trong Hiệp hội, còn rất nhiều DN khác, đặc biệt là các DN FDI cũng XK cà phê lượng rất lớn lại không được “đả động” gì tới việc thu phí, điều này khiến tâm lý tị nạnh xảy ra. Thậm chí đã có DN khẳng định rằng họ chỉ đồng tình đóng phí khi tất cả các DN tham gia XK cùng bị thu. Không thể có chuyện thu DN nội nhưng lại bỏ qua DN ngoại.
Khoan hãy nói chuyện “bên thu, bên không” trong khi cùng là DN XK mà hãy đặt giả thiết: Nếu mỗi năm XK1 triệu tấn cà phê thì số tiền quỹ thu về sẽ vào khoảng 2 triệu USD/năm. Khi đó, việc chi tiêu quỹ này sẽ như thế nào?
Việc thu phí chắc chắn sẽ gây những khó khăn không nhỏ cho các DN |
Với giải thích của Vicofa là dành phần lớn quỹ này vào việc tái canh cây cà phê thì chưa hẳn người nông dân đã cần một cách bức thiết quỹ này. Bởi lâu nay việc trồng cà phê gắn liền với sự sinh tồn của người nông dân, do đó lẽ tự nhiên người nông dân phải tự biết làm thế nào để cây cà phê mang lại giá trị và năng suất. Họ biết rõ đâu là giống tốt, đâu là giống không tốt cũng như cách để cây cà phê mang lại hiệu quả.
Chúng ta đang ở trong cơ chế thị trường. Nhà nước đã không còn bao cấp nên có thể nói việc phát triển cây cà phê đã và đang theo xu thế tất yếu của thị trường. Cây cà phê đang đuợc người nông dân trồng và cho năng suất khá tốt. Còn nếu xét về số quỹ thu được để đầu tư cho tái canh cây cà phê, so với nhu cầu tái canh của 14.000 tỉ đồng trên diện tích 180.000 ha cà phê thì số tiền thu được cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Đó là chưa kể hiện nay, Nhà nước đang có chính sách khoan dân, giảm thuế để bớt gánh nặng cho người dân, DN và trong khi DN nội đang gặp rất nhiều khó khăn về XK, phải cạnh tranh khốc liệt ngay tại thị trường trong nước với các DN FDI (các DN FDI chiếm một số lượng lớn các DN thu mua XK, họ có tiềm lực tài chính lại không phải nằm trong diện thu phí, họ sẵn sàng tung tiền để thu mua). Do vậy việc thu phí chắc chắn sẽ gây những khó khăn không nhỏ cho các DN. Bên cạnh đó, việc thu phí có thể khiến DN đưa phí này vào giá thành thu mua, khi đó giá thu mua thực sẽ giảm, ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân.
Việc kinh doanh của các DN đang gặp khó khăn, các DN ngành cà phê cũng không nằm ngoài quy luật đó. Do vậy, một chính sách mới đưa ra cần được xem xét kỹ lượng thiệt, hơn để đảm bảo đúng quyền lợi của DN. Nếu đã thu phải thu đồng bộ, không phân biệt loại hình DN hay quy mô... Bởi xét cho cùng, chính sách nào cũng là để phục vụ người dân, DN và làm cho xã hội ngày một tốt lên.
Theo DĐDN