ĐBQH Tây Ninh: "Nên dành cho bà Hoàng Yến sự tôn trọng nhất định"

Thứ tư, 25/04/2012, 07:57
Ông Nguyễn Đình Xuân, ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, khi bà Hoàng Yến chưa bị bãi miễn thì chúng ta nên dành cho vị ĐBQH này sự tôn trọng nhất định.


Tin liên quan
>>Bà Hoàng Yến: 'Có dấu hiệu bất thường, lý lịch của tôi bị sửa chữa'
>>Bà nghị Đặng Hoàng Yến trong mắt em trai tỷ phú


Vấn đề tư cách của ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến đang nóng hơn bao giờ hết sau phiên họp kín của TƯ Mặt trận Tổ quốc ngày 18/4. T

Theo đó, 100% số phiếu đã tán thành đề nghị bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Trước khi Quốc hội đưa ra quyết định cuối cùng trong phiên họp 21/5 tới đây,  Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên ĐBQH khóa 11, 12 tỉnh Tây Ninh xung quanh vấn đề này.

Bày tỏ quan điểm của mình về sự “thiếu trung thực” của bà Đặng Thị Hoàng Yến trong việc khai lý lịch ứng cử ĐBQH, ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên ĐBQH khóa 11, 12 tỉnh Tây Ninh nói:  "Ai cũng có quá khứ và các mối quan hệ riêng tư. Dù quá khứ ấy có như thế nào thì cũng không nên trở thành giới hạn hay rào cản trong quá trình phấn đấu của một con người nhưng che giấu hay khai man lý lịch khi ra ứng cử lại là chuyện khác.

 

Ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên ĐBQH tỉnh Tây Ninh khóa 11, 12.


Người ứng cử ĐBQH cần phải khai báo minh bạch lý lịch của mình, để cử tri có thể xem xét và đưa ra sự lựa chọn. Bởi vì, bỏ một lá phiếu có nghĩa là cử tri đó đang chọn cho mình một người thay mặt họ thực hiện quyền dân chủ thiêng liêng, là nơi họ gửi gắm tâm tư, nhờ cậy khi gặp điều oan sai bất trắc. Họ cần phải biết rõ và tin cậy người ấy".

Về các vấn đề liên quan tới tư cách ĐBQH của bà Hoàng Yến, ông Xuân không bình luận bởi theo ông, điều này đã được báo chí nói tới nhiều đồng thời. Ông Xuân tin rằng sẽ sớm có kết quả cuối cùng.

Theo ông Xuân, điều cần bàn trong lúc này chính là hệ thống và cách thức tiến hành bầu cử dường như đang bộc lộ những thiếu sót và kẽ hở nào đó. Cử tri  rất tin vào những ứng cử viên ĐBQH, bởi vì họ cho rằng, những người này đã trải qua rất nhiều vòng kiểm tra, xem xét lý lịch, hiệp thương giới thiệu.

Trong khi đó, thực chất việc kiểm tra này đã có sai sót. Bởi vì chuyện nhân thân của bà Yến không phải lý lịch 2, 3 đời, mà lại là những sự việc mới xảy hơn 10 năm trở lại đây.

Về ý kiến "trong thời điểm ứng cử ĐBQH, bà Yến và chồng là Jimmy Trần đã li hôn nên không cần khai trong lý lịch" của một luật sư, ông Xuân cho rằng, nói như vậy là ngụy biện. Bởi vì lý lịch, tiểu sử là những điều đã xảy ra trong quá khứ chứ không phải đang xảy ra trong hiện tại. Ví dụ như tiền án, tiền sự, kỷ luật hay khen thưởng…

Ông Nguyễn Đình Xuân nói thêm: "Hiện tại theo tôi, cách giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý hiện nay là các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ trách  nhiệm của các khâu trong quá trình bầu cử để phát hiện, xử lý một cách công khai, minh bạch trước các cử tri".

"Với cùng một cách làm, liệu chúng ta có chắc chắn đây là trường hợp duy nhất hay không? Trong quá trình làm ĐBQH, tôi nhớ đã có 2 trường hợp bị bãi miễn tư cách ĐBQH, tuy nhiên chủ yếu do họ liên quan tới vụ việc trong quá trình giữ trọng trách bên chính quyền, chưa có trường hợp nào là do khai man lý lịch.

 
Bà Đặng Thị Hoàng Yến


Một người chưa bị coi là tội phạm khi chưa có một bản án có hiệu lực của  tòa án, một ĐBQH vẫn sẽ là ĐBQH khi Quốc hội và cử tri chưa đưa ra quyết định bãi miễn. Dù đã có nhiều điều chưa rõ nhưng chúng ta nên dành cho các ĐBQH một sự tôn trọng nhất định vì đó cũng chính là tôn trọng sự lựa chọn của cư tri”.


Theo GDVN

Các tin cũ hơn