Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.
Ngày 19/4, Tây Ban Nha sẽ phát hành 2,5 tỷ euro trái phiếu chính phủ kì hạn 2 và 10 năm trong khi Pháp đặt mục tiêu bán được tối đa 11 tỷ euro chứng khoán nợ, bao gồm kì phiếu đáo hạn năm 2017 và trái phiếu điều chỉnh lạm phát đáo hạn năm 2018.
Hai quốc gia này ngày càng trở thành tâm điểm chú ý khi hiệu ứng từ hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – cơ chế bơm 1 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính khu vực – đang giảm dần.
Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Tây Ban Nha đã tăng 1%, vọt lên 6% vào đầu tháng 3/2012, trong khi lợi suất trái phiếu tương tự của Pháp tăng 10 điểm cơ bản sau khi ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande dẫn đầu trong các cuộc khảo sát trước bầu cử.
Marc Chandler, giám đốc chiến lược kinh doanh ngoại tệ của Brown Brothers Harriman & Co. tại New York nhận định: “Đây là thời điểm khó khăn cho cả hai nước để phát hành trái phiếu. Quý I là hiệu ứng của LTRO, và quý II sẽ được quyết định bởi chính trị.”
Trái phiếu chính phủ 10 năm của Pháp đang được giao dịch tịa 3,01%, tăng từ 2,77% trong ngày 1/3. Phần bù lợi suất so với trái phiếu tương đương của Đức đã tăng 129 điểm cơ bản, từ mức 91 điểm trong đầu tháng Ba.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha một lần nữa vọt lên trên 6% trong ngày 11/4, sau đó quay trở lại mức 5,82% trong ngày hôm qua.
Pháp dự định bán 8 tỷ euro kì phiếu đáo hạn tháng 9/2014, 4/2015 và tháng 2/2017. 3 tỷ euro còn lại là từ trái phiếu điều chỉnh lạm phát, đáo hạn tháng 7/2018.
Chuyên gia phân tích Nicholas Spiro từ Spiro Sovereign Strategy tại London nhận định: “Pháp đang phải đối mặt với thách thức chính trị lớn nhất kể từ năm 1980, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chính sách tài chính kinh tế.”
Theo Cafef