Tin liên quan
>>Nên bỏ trần lãi suất huy động, áp trần cho vay
>>Doanh nghiệp “nhìn“ lãi suất ngân hàng như... “cáo ngắm nho“
>>Trần lãi suất: Dồn NH yếu vào bước đường cùng
Ảnh minh họa
Ghi nhận mới nhất về lãi suất vay vốn của doanh nghiệp là lãi suất đã giảm khá mạnh. Sáng 17/4, một công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM cho biết, đã nhận được thông báo của Ngân hàng BIDV về việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 15,5%/năm. Công ty này được xếp hạng tín dụng 3A của BIDV tại TP. HCM.
Trong khi đó, tin từ trụ sở CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tại Hà Nội, lãi suất cho vay của BIDV cho các khoản vay ngắn hạn của Công ty đã giảm xuống còn 15%/năm. Khoản vay trung hạn nếu giải ngân ở thời điểm này, lãi suất khoảng 17,5%/năm.
Thông tin từ một doanh nghiệp niêm yết cũng trong ngành thép cho hay, lãi suất vay vốn ngắn hạn của Vietcombank đã giảm xuống còn 15,2%/năm, của Ngân hàng HSBC là 15,1%/năm.
Trên đây là các mức lãi suất cạnh tranh nhất mà ĐTCK ghi nhận được từ các doanh nghiệp cho đến chiều qua.
Theo một số doanh nghiệp lớn, trong một tuần qua, sau khi có quyết định giảm trần lãi suất huy động về 12%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm đáng kể, từ 16,5%/năm xuống 16,1%/năm, 15,8%/năm và hiện nay là 15%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng giảm lãi suất tương đối rõ rệt của nhóm ngân hàng quốc doanh lớn và ngân hàng nước ngoài, không ít ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chưa có động thái giảm lãi suất cho vay.
Một doanh nghiệp là khách hàng của BIDV chia sẻ, doanh nghiệp vừa vay lãi suất 15,5%/năm của BIDV, vừa vay lãi suất 19%/năm của Ngân hàng An Bình. Một số doanh nghiệp có quy mô vừa phản ánh, lãi suất của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân như Eximbank, Sacombank.
Tại Sacombank vẫn ở mức 16,5%/năm cho doanh nghiệp sản xuất; cho vay doanh nghiệp bất động sản, lãi suất ở thời điểm này vẫn là 20%/năm.
Đại diện CTCP Chương Dương (CDC) cho biết, lãi suất thấp nhất mà CDC vay hiện nay là 17%/năm. Tại CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), lãi suất mà Công ty vay hiện vẫn là 19 - 20%/năm và Công ty chưa có thông tin mới từ phía ngân hàng về việc giảm lãi suất, sau khi NHNN có chính sách nới tín dụng cho bất động sản.
Tuy nhiên, điểm thuận lợi của TDH là vay được vốn, trong khi một số doanh nghiệp bất động sản khác dù chấp nhận lãi suất cao cũng khó được ngân hàng giải ngân.
TDH nhận định, phải mất vài ba tháng nữa, lãi suất thấp hơn mới đến được với các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Thực tế cho thấy, so với chính sách giảm lãi suất huy động thì việc giảm lãi suất cho vay có một độ trễ khá lớn. Sau hai lần giảm trần lãi suất huy động xuống 13%/năm và sau đó là 12%/năm, thị trường mới ghi nhận được một đợt giảm lãi suất cho vay rõ rệt như nêu trên. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận được vốn vay vẫn còn hạn hẹp.
Sự thay đổi chậm chạp này khiến nhiều doanh nghiệp chán nản, nhưng có lẽ đó là sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà “căn bệnh” lạm phát vẫn cần cảnh giác. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu của sự đình trệ sản xuất, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp sa sút, nhưng theo các chuyên gia, “thuốc bổ” vẫn chỉ nên bơm từ từ.
“Quan trọng là lãi suất cho vay phải hạ”
Ông Vũ Ngọc Nam, Giám đốc Tài chính, CTCP Vạn Phát Hưng
Những thông tin như NHNN hạ lãi suất huy động, cho vay bất động sản hướng đến nhiều đối tượng, nhiều loại hình... đã tạo hy vọng mới cho thị trường bất động sản. Vì rõ ràng, khi lãi suất huy động giảm, người tiêu dùng sẽ có xu hướng rút tiết kiệm, tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác, trong đó có bất động sản. Ngoài ra, sự cởi mở trong chính sách cho vay sẽ tạo điều kiện để những người thực sự có nhu cầu về nhà ở có động lực mua hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, các chính sách này mới chỉ dừng ở mở một cánh cửa và mới chỉ phục vụ một nhóm đối tượng. Vẫn còn một cánh cửa khác, quan trọng hơn, chưa được mở. Đó là vấn đề hạ lãi suất cho vay. Lãi suất vay vốn phải hạ thì bài toán tỷ suất sinh lời trong đầu tư bất động sản mới được đảm bảo. Lãi suất phải hạ thì người ta mới dám đi vay, thúc đẩy cả cung và cầu bất động sản phát triển.
Tôi cho rằng, những người phải đi vay với lãi suất 19 - 20%/năm như hiện nay đều ở vào tình thế bắt buộc. Nếu được lựa chọn, họ sẽ không vay với một mức lãi cao như thế.
Thực tế, cả chủ đầu tư lẫn người đi mua đều chỉ có khả năng chịu đựng mức lãi vay 15 - 16%/năm. Nếu lãi suất về được mức này và được áp dụng rộng rãi, đây mới thực sự là tin vui cho thị trường.
“BCI tìm vốn bằng sự minh bạch”
Đại diện CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI)
Hạ lãi suất huy động sẽ tạo tiền đề để hạ lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, giảm áp lực lãi vay. Về “room” tín dụng bất động sản, BCI có những thuận lợi nhất định. Không phải Công ty không có những rủi ro, nhưng quan trọng là chúng tôi thông tin minh bạch, đầy đủ.
Chẳng hạn, đầu năm 2011, BCI đã tổ chức “ Hội nghị các nhà tài trợ “. Đây là cuộc gặp giữa BCI với các ngân hàng, tổ chức tài chính đã, đang và sẽ tài trợ cho các dự án của Công ty.
Tại đây, chúng tôi trình bày chi tiết tình hình tài chính của Công ty, những dự án BCI đang triển khai và cần thêm bao nhiêu vốn, tiến độ và tính khả thi của dự án, dòng tiền nào sẽ được dùng để trả nợ và lãi, tài sản nào dùng để thế chấp.
Chúng tôi cũng nêu rõ những khó khăn của mình. Qua đó, các ngân hàng có thể thẩm định, đánh giá lại mức độ tin tưởng vào chúng tôi. Họ đã hỏi thêm những vấn đề chưa rõ, trao đổi với nhau về những khoản vay nợ của BCI.
Kết quả, các ngân hàng đánh giá cao sự minh bạch của BCI, giữ nguyên hoặc tái cấp hạn mức tín dụng, vẫn giải ngân cho dự án của BCI, mặc dù Công ty thuộc nhóm ngành hạn chế tín dụng trong năm 2011.
Theo ĐTCK