Giám định xuất khẩu vàng nữ trang: Doanh nghiệp FDI kêu trời

Thứ tư, 18/04/2012, 13:40
Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu vàng nữ trang đang kêu trời về khâu giám định.

Tin liên quan
>>Đã đến lúc lập lại sàn vàng quốc gia?
>>Thị trường vàng ảm đạm sau nghị định
>>iPad mới mạ vàng, giá hơn 100 triệu đồng



Khốn đốn vì khâu giám định

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp FDI như Việt Nhật, GL, D&Q… tỏ ra thất vọng, khi Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã không đề cập khâu giám định vàng nữ trang khi xuất khẩu.

Trong khi đây là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này.


Lý do là, năm 2011 đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp lách quy định cấm xuất khẩu vàng nguyên liệu bằng việc xuất khẩu vàng nữ trang hàm lượng cao. Để ngăn chặn hành động lách luật đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC, yêu cầu doanh nghiệp phải giám định hàm lượng vàng trước khi xuất khẩu.

Bà Trần Thị Hiếu, Phụ trách xuất nhập khẩu Công ty ESTELLE Việt Nam (TP. Hải Phòng) cho biết: “Công ty chúng tôi nhập khẩu vàng 24K về để sản xuất vàng nữ trang 18K trở xuống, 98% sản phẩm của chúng tôi là để xuất khẩu vì đây là vàng nữ trang cao cấp, trong nước không tiêu thụ được.

Tuy nhiên, quy định giám định vàng trước khi xuất khẩu khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy đã đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định giám định hàm lượng vàng nữ trang trước khi xuất khẩu, nhưng không được đồng ý, vì vậy, chúng tôi chuẩn bị gửi công văn trình Chính phủ”.


Theo lãnh đạo Công ty ESTELLE Việt Nam, do tại Hải Phòng chưa có đơn vị thẩm định vàng, nên mỗi lần xuất khẩu, Công ty phải vận chuyển hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội để giám định, sau đó mang hàng về Hải Phòng để hoàn tất thủ tục rồi lại chuyển lên Cảng Hàng không Nội Bài để xuất đi.

Mỗi lần giám định, doanh nghiệp mất 3 ngày và tốn khoảng 10 triệu đồng chi phí thuê xe vận chuyển, chi phí thuê bảo vệ giám sát, áp tải xe và phí kiểm định. Do đó, doanh nghiệp phải kéo dài thời gian giao hàng, sản xuất bị chậm lại.


Tương tự, bà Trương Thị Hạnh, Giám đốc công ty TNHH Trang Sức GL (Nhật Bản) cũng cho hay: “Chúng tôi chỉ nhập khẩu vàng 75% (vàng nguyên liệu đã pha chế) về để sản xuất, nên gian lận là không có. Đúng hơn là chúng tôi không có động cơ để gian lận. Vì vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp chúng tôi mỗi tháng mất thêm 50 triệu đồng chi phí giám định trước xuất khẩu là vô lý”.

Được biết, Công ty GL chỉ sản xuất để xuất khẩu theo đơn hàng gia công. Mỗi mã hàng của Công ty đều đính kèm một đơn hàng của khách hàng, trong đó nêu rõ thông tin về tuổi vàng để quy đổi thành giá của sản phẩm.

Một doanh nghiệp FDI sản xuất, xuất khẩu vàng khác tại Hà Nội cũng cho rằng, với những doanh nghiệp nhập khẩu vàng hàm lượng cao (vàng 24 K) về rồi mới pha nguyên liệu để sản xuất thì Bộ Tài chính có thể yêu cầu giám định.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần mở rộng thêm các phòng giám định, đặc biệt là cho các phòng giám định độc lập. Còn với những doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu hàm lượng thấp từ 18K trở xuống thì nên miễn giám định, vì đây là điều không cần thiết.


Không cần “lo xa” về doanh nghiệp FDI

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ, doanh nghiệp FDI không phải xin giấy phép khi xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, xuất nhập khẩu vàng trang sức sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất vàng trang sức để làm mẫu…, mà chỉ cần gửi hồ sơ xin cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) cho biết: “Về cơ bản, chính sách quản lý vàng với doanh nghiệp FDI sẽ vẫn như hiện nay. Chủ trương của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hoạt động, nhất là gia công cho nước ngoài, tạm nhập tái xuất.

Tất nhiên, về nguyên tắc, để nhập khẩu vàng nguyên liệu về gia công, chế tác, sản xuất, doanh nghiệp phải có đơn đề nghị cấp hạn ngạch, không phải muốn nhập bao nhiêu cũng được. Trên cơ sở đề nghị và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, NHNN sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu. Nếu sau đó, đơn hàng của doanh nghiệp phát sinh và muốn được nhập khẩu thêm, thì NHNN sẽ xem xét cấp thêm hạn ngạch”.


Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, chỉ có một doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực khai thác vàng và khoảng vài ba chục doanh nghiệp FDI sản xuất, gia công xuất khẩu vàng nữ trang. Hầu hết các doanh nghiệp này đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Nga…

Nghị định 24/2012/NĐ-CP hầu như không điều chỉnh gì về hoạt động của các doanh nghiệp này. Thực tế, không cần phải lo xa về hoạt động của nhóm doanh nghiệp này, bởi hầu hết các doanh nghiệp này đều sản xuất, gia công và xuất khẩu, tiêu thụ rất ít tại thị trường trong nước, nên không ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối của nước ta.

Ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định: “Doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh vàng ở Việt Nam không lớn, chủ yếu là xuất khẩu, nên hoạt động của các doanh nghiệp này không có gì đáng lo, thậm chí còn mang về nhiều hơn ngoại tệ cho đất nước”.

Theo tin mới

Các tin cũ hơn