CEO Tập đoàn khí đốt lớn thứ 2 Mỹ gây phẫn nộ vì vay nợ cá nhân 1,1 tỷ USD

Thứ năm, 19/04/2012, 07:56
CEO của tập đoàn Chesapeake vay trên dưới 1,1 tỷ USD trong 3 năm qua bằng cách cầm cố cổ phần của mình trong công ty.


Tin liên quan
>>Tân CEO Maritime Bank: “Chúng tôi chọn nhau”
>>Cựu CEO khởi kiện tập đoàn Hoa Sen
>>Các CEO Singapore hưởng lương bao nhiêu?

 


CEO Chesapeake Aubrey K. McClendon
 

Không ai có thể phủ nhận, Aubrey K. McClendon là một trong những doanh nhân trong lĩnh vực năng lượng thành công nhất trong những thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, ông không phải là Giám đốc điều hành (CEO) luôn luôn có được sự quý mến của các cổ đông trong công ty do ông đồng sáng lập, tập đoàn Chesapeake Energy, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 nước Mỹ.

Các tài liệu của Reuters mới đây tiết lộ, CEO McClendon đã vay trên dưới 1,1 tỷ USD trong 3 năm qua bằng cách cầm cố cổ phần của mình trong Chesapeake,

Các khoản vay được thực hiện qua ba công ty do Mc Clendon kiểm soát.

Số tiền này được cho là nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động có thể giúp công việc kinh doanh của ông sinh lợi tốt hơn - mua vào các cổ phiếu tốt mà ông sử dụng như là tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Theo các chuyên gia, quy mô và tính chất của các khoản vay của McClendon làm tăng lo ngại về việc liệu các hợp đồng tài chính cá nhân này có thể làm tổn hại đến nghĩa vụ cẩn trọng và trung thành của ông đối với các nhà đầu tư Chesapeake.

Trong quá khứ, CEO McClendon cũng từng khiến cổ phiếu Chesapeake giảm mạnh trong bối cảnh khủng hoảng tài chính khi ông bán hàng trăm triệu USD cổ phiếu để huy động tiền mặt cho chính mình.

Sau đó, để xoa dịu sự tức giận của các cổ đông, McClendon phải đồng ý mua lại một bộ sưu tập bản đồ trị giá 12 triệu USD mà ông bán cho Chesapeake từ trước đó.

Giờ đây, một loạt các khoản vay trước đây không được tiết lộ của McClendon một lần nữa lại khiến Giám đốc điều hành (CEO) cùng các cổ đông Chesapeake rơi vào xung đột.

"Việc McClendon có khoản nợ 1 tỷ USD thông qua các công ty riêng của mình, các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp tương tự như Chesapeake, có thể gây nên nguy cơ xung đột lợi ích với các cổ đông.

Đó là, ông ta làm điều đó vì lợi ích của ai, của công ty hay của chính ông ta?" Phó giáo sư về năng lượng và pháp luật, Joshua Fershee thuộc Đại học North Dakota nhận định.

Các khoản vay của McClendon bị tiết lộ vào thời điểm ông đang vật lộn để giúp Chesapeake ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt hàng tỷ USD trong bối cảnh giá khí đốt sụt giảm mạnh.

Các nhà phân tích nhận định, các khoản vay này sẽ mang đến một số vấn đề. Người cho vay lớn nhất của McClendon cũng đồng thời là một nhà đầu tư lớn trong hai đơn vị của Chesapeake. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các điều khoản tài chính của Chesapeake có bị ảnh hưởng bởi các khoản vay cá nhân của McClendon hay không.

Vụ việc trên cũng cho thấy vẫn tồn tại những lỗ hổng nghiêm trọng tại Mỹ trong việc quản lý và rà soát hoạt động của các CEO bất chấp việc một thập kỷ qua, những quy định về vấn đề này đã được thắt chặt sau những bê bối kế toán lớn.


Theo Gafin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích