Trung Quốc tăng mạnh "gom" vàng... phục vụ mục đích gì?

Thứ tư, 25/04/2012, 10:45
Bắc Kinh đang lên kế hoạch tránh các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran bằng cách thay vì trả tiền cho dầu, họ trả vàng. Do đó, nhu cầu nhập khẩu vàng của Trung Quốc đang tăng mạnh.

Tin liên quan
>>VBL bác bỏ tin bia lon Heineken nhập từ Trung Quốc
>>Điều tra tin đồn "bia Heineken giá rẻ nhập từ Trung Quốc"


Một ngày cuối cùng của năm 2011, Tổng thống Mỹ Obama đặt bút ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2012 (NDAA), cho phép nỗ lực giảm nguồn thu từ việc bán dầu mở của Iran bằng cách sẽ trừng phạt bất cứ tổ chức tài chính nước ngoài nào giao dịch thương mại với Cộng hòa Hồi giáo. Văn bản này chính thức có hiệu lực từ ngày 28/6. Các tổ chức tài chính vi phạm, bị đưa vào sổ đen sẽ bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ.

Theo Wall Street Journal, hình thức xử phạt này là "nỗ lực buộc các nước khác phải lựa chọn hoặc là dầu mỏ Iran hoặc sẽ bị chặn đứng khỏi  bất cứ giao dịch nào với nền kinh tế Mỹ”.

Ngoài ra, NDAA còn trao quyền cho Tổng thống Mỹ để trục xuất các tổ chức tài chính vi phạm ra khỏi hệ thống tài chính của các quốc gia tán thành “tẩy chay” dầu mỏ Iran.



Nhu cầu nhập khẩu vàng của Trung Quốc đang tăng mạnh.

Tháng trước, Mỹ đặc cách miễn trừ áp đặt trừng phạt đối với 11 quốc gia vì đã giảm đáng kể nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, bao gồm Nhật và 10 nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong một tuyên bố ra ngày 20-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh các tổ chức tài chính đặt tại 11 quốc gia này được gia hạn 180 ngày để tránh khỏi nguy cơ bị cắt đứt quan hệ với hệ thống tài chính của Mỹ theo lệnh trừng phạt từ Washington lên Tehran.

Trung Quốc, trước đây, cũng từng  được Mỹ miễn trừ áp đặt trừng phạt theo một pháp chế về Iran lúc đó. Tuy nhiên, trong thời buổi quan hệ Trung - Mỹ đang khá căng thẳng như hiện nay và Trung Quốc lại đang là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, khả năng Washington đặc cách miễn trừ áp đặt trừng phạt cho Bắc Kinh là khá mong manh.

Điều này đẩy Bắc Kinh vào tình huống khó khăn. Người Trung Quốc dễ dàng nhận thấy các lợi ích về kinh tế và địa chính trị của họ liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng cũng lại đang phụ thuộc ngày càng nhiều hơn và sâu hơn vào Mỹ.

Do đó, vấn đề nan giải cho Bắc Kinh hiện nay là phải tìm ra cách để vừa đảm bảo nhập khẩu đủ số dầu mỏ để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước đồng thời không làm mếch lòng Tehran hay Washington.

Và họ đã tìm ra các giải pháp hữu hiệu. Trung Quốc lách các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ nhờ việc đổi hàng hóa lấy dầu mỏ Iran. Các mặt hàng được đem ra trao đổi như máy giặt, tủ lạnh, đồ chơi, quần áo, mỹ phẩm và xà bông...

Không có gì khó hiểu khi Iran hoàn toàn chấp nhận vụ đổi chác trên bởi trên thực tế các lệnh trừng phạt của Washington khiến việc nhập khẩu hàng hóa của Tehran trở nên vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, hàng nông nghiệp cũng có thể được dùng để đổi lấy dầu mỏ Iran. Chẳng hạn, Nga và Pakistan, có khả năng đổi lương thực lấy dầu mỏ của Cộng hòa Hồi giáo.

Thêm vào đó, Tehran, trong tháng hai vừa qua bất đắc dĩ tuyên bố cũng sẽ chấp nhận đồng nội tệ của các quốc gia khác cho các hóa đơn dầu mỏ nhằm để tránh hệ thống tài chính Mỹ. Kết quả là, tháng giêng vừa qua, Ấn Độ tuyên bố họ không cần đặc ân của Mỹ cho một lệnh miễn trừ. Delhi sẽ dùng chính đồng rupee của họ để thanh toán hóa đơn dầu mỏ của Iran – chiếm 45% nguồn dầu mỏ nhập khẩu của nước này...

Tương tự như vậy, Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ thuyết phục Iran chấp nhận đồng nhân dân tệ để thanh toán cho các hóa đơn dầu mỏ.

Đổi hàng hóa, lương thực lấy dầu, đó là một cách hay để tránh các lệnh trừng phạt tài chính mà Mỹ áp dụng cho Iran. Tuy nhiên, Iran vẫn rất khát tiền mặt. Tehran đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, do đó, thứ duy nhất và cũng là thứ tốt nhất có thể được dùng để mua dầu mỏ Iran lúc này chỉ có thể là vàng.

Do đó, một khả năng cực lớn đó là khi NDAA bắt đầu có hiệu lực, Trung quốc sẽ lách luật dùng vàng đổi lấy dầu mỏ Iran. Nhu cầu nhập khẩu vàng của Bắc Kinh đang tăng mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến nguy cơ vàng tăng giá chóng mặt.

Mở đường cho việc đổi vàng lấy dầu, cuối tháng hai vừa qua, Ngân hàng trung ương Iran thông báo, họ sẵn sàng và hoan nghênh loại hình trao đổi trên. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 21,7 tỷ USD dầu mỏ Iran và xuất khẩu sang nước này 14,8 triệu USD hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác để vàng sẽ là thứ tốt nhất để đổi lấy dầu mỏ Iran chính là một khi Mỹ khóa chặt các lệnh trừng phạt về tài chính đối với Iran thì Cộng hòa Hồi giáo sẽ khó lòng đổi dầu để lấy được các đồng tiền mạnh. Do đó, sự lựa chọn tối ưu nhất của họ là vàng.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ Iran bằng cách tìm kiếm thêm các hợp đồng năng lượng với Saudi Arabia, đối tác nước ngoài lớn nhất của họ.

Trung Quốc cũng tìm cách mua nhiều dầu hơn từ các quốc gia trong vùng vịnh Ba Tư lẫn Việt Nam, Nga và châu Phi. Do đó, nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ từ Iran của Trung Quốc sẽ giảm.

Đồng thời, Trung Quốc và một vài quốc gia khác cũng đang lợi dụng tính cảnh khó khăn của Iran để ép giá.


 

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn