Toàn bộ cử tri Pháp vừa đưa ra phán quyết sơ bộ cho cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống. Họ muốn thay đổi và theo dự đoán sẽ miễn cưỡng ủng hộ ứng viên đảng Xã hội François Hollande trong vòng bầu cử thứ hai mang tính chất quyết định sẽ diễn ra ngày 6/5 tới. Sự ác cảm đối với Nicolas Sarkozy luôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của các cử tri Pháp. Nếu Hollande giành chiến thắng, ông sẽ có được điều gì?
Dựa trên các phản ứng của thị trường đối với kết quả bầu cử vòng 1, giới đầu tư đã bắt đầu đánh giá lại những rủi ro mà nước Pháp gặp phải với sự lo lắng về khả năng thanh toán nợ của Pháp.
Chi phí đi vay của Pháp đã tăng gấp hơn 5 lần so với Đức từ tháng 6 đến tháng 11 năm ngoái khi mà cuộc khủng hoảng nợ châu Âu leo thang. Mặc dù từ đó đến nay khoảng cách đã được thu hẹp, chi phí của Pháp vẫn cao hơn Đức khoảng 35 điểm phần trăm.
Mối lo ngại cho rằng nếu ông Hollande đắc cử sẽ khiến các chính sách kinh tế thay đổi rõ rệt đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã phơi bày các yếu kém cố hữu của nền kinh tế Pháp và sự thiếu sẵn sàng của hai ứng cử viên cuối cùng trong việc giải quyết các vấn đề này trong thời gian sắp tới.
Cuộc bầu cử này cũng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng ở eurozone lại một lần nữa nổi lên khiến Pháp tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các ngân hàng nước này có quan hệ chặt chẽ với các nước ngoại vi đang gặp trục trặc của khối.
Trong khi Tây Ban Nha là tâm điểm lo lắng của các nhà đầu tư, Pháp cũng đang có nguy cơ gặp phải rắc rối. Phải chịu gánh nặng với tỷ lệ chi tiêu công tính trên GDP cao nhất eurozone, Pháp có mức thâm hụt ngân sách năm ngoái cao hơn cả Bồ Đào Nha.
Cán cân vãng lai của Pháp đang sắp chạm ngưỡng thâm hụt bền vững mà Italia và Tây Ban Nha gặp phải trong khi xét về tổng thể eurozone có thặng dư. Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp cao hơn ở Italia trong khi tăng trưởng GDP trong năm 2012 và 2013 được dự báo sẽ ở mức thấp thứ hai trong nhóm các nước G7.
Các ngân hàng của Pháp đang đứng trước các rủi ro nghiêm trọng. Theo số liệu từ Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), các ngân hàng của Pháp hiện nắm giữ 30% trong tổng số nợ của 5 nền kinh tế ngoại vi tại hệ thống ngân hàng của eurozone.
Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với Đức do các ngân hàng Pháp nắm giữ khối lượng lớn các khoản nợ chính phủ và nợ tư nhân của Italia. Chứng khoán Pháp thậm chí còn bị lỗi nhịp tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu khi giảm 4% trong 3 tháng gần đây do cổ phiếu ngành ngân hàng sụt giảm.
Các nhà đầu tư đã nhận thức được những rủi ro này. Câu hỏi ở đây là liệu họ có định giá chính xác hay không. Rõ ràng là thị trường đã lạc quan thái quá về Pháp do nước này có vị trí chiến lược quan trọng và vẫn được coi như nơi trú ấn khá an toàn trong eurozone.
Cuộc bầu cử này phản ánh chính xác hơn sự phản đối tài chính chính thống ngày càng tăng lên ở Pháp. Cả hai ứng viên cuối cùng, đặc biệt là Tổng thống Sarkozy giờ đây bắt buộc phải có được sự ủng hộ từ Đảng Mặt Trận dân tộc. Đây là đảng phản đối đồng euro và chiếm đến 1/5 số phiếu.
Giờ đây, mọi con mắt đều đổ dồn về ứng viên của đảng xã hội. Nếu ông Hollande giành chiến thắng, giường như mối lo ngại về khả năng trả nợ của Pháp càng tăng lên. Không những đưa ra các chính sách khác biệt hoàn toàn với các chính sách của ông Sarkozy, Hollande thậm chí sẽ không hào hứng thực hiện các cải cách về tài khóa thực sự cần thiết đối với nước Pháp.
Theo CafeF